Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Tăng hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Xây dựng tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, do tính chất thí điểm, nên bên cạnh các mô hình, cách làm phù hợp vẫn còn mô hình, cách làm đang gặp khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp điều chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) Ma Hồng Phú kiểm tra mô hình trồng dưa chuột trên địa bàn. (Ảnh THANH PHÚC)
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) Ma Hồng Phú kiểm tra mô hình trồng dưa chuột trên địa bàn. (Ảnh THANH PHÚC)

Bài 1: Quyết liệt và đồng bộ

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 được ban hành, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Từ một tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng bậc đã bước đầu được thu gọn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Trong đó nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo phát huy hiệu quả rõ rệt.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 07-KH/TW năm 2017. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các nghị quyết, luật, nghị định. Đây chính là những tiền đề pháp lý quan trọng để các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Chủ động, mạnh mẽ, tích cực

Ngày 5/6/2022, đồng loạt 1.452 thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2022-2025. Những người được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố sẽ được giới thiệu để bầu bí thư chi bộ tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 diễn ra vào ngày 3/7/2022. Đây là kết quả của quá trình quyết liệt thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tại Quảng Ninh. Cụ thể ở đây là thực hiện mục tiêu nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Theo đồng chí Đỗ Thị Hoàng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ điều tra, khảo sát thực tế sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Quảng Ninh xây dựng, triển khai Đề án 25 về "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế". Đề án được các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong tỉnh quán triệt, triển khai nghiêm túc, tích cực.

Tại cơ sở, qua công tác lãnh đạo, Tỉnh ủy nhận thấy, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Tuy nhiên, nếu theo quy trình cũ, tổ chức đảng cử các đồng chí bí thư chi bộ sang để bầu trưởng thôn, bản, khu phố thì nhiều trường hợp không được nhân dân tín nhiệm. Khắc phục vướng mắc này, Tỉnh ủy mạnh dạn thực hiện cơ chế "dân tin-đảng cử", sau khi đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố thì tổ chức đảng cơ sở mới tiến hành bầu chức danh bí thư chi bộ. Với cơ chế mới, hai năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Cùng với thành công trong công tác nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, Quảng Ninh còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nhất là mô hình nhất thể hóa các chức danh, hợp nhất một số cơ quan đơn vị có chức năng tương đồng, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội... Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thành, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nhận xét: Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là một sáng kiến táo bạo, mang quyết tâm đổi mới. Đề án đã đề xuất mô hình, giải pháp khắc phục được những hạn chế, yếu kém đang tồn tại của một số tổ chức cấp tỉnh, huyện trong hệ thống chính trị hiện nay, góp phần giảm đầu mối, giảm biên chế thông qua thử nghiệm mô hình tổ chức bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn.

Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương đánh giá cao trong triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sau một thời gian tuyên truyền, phổ biến và khảo sát đánh giá thực trạng của cả hệ thống các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Mục tiêu của Đề án tập trung vào bốn nội dung chính là sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiết kiệm chi ngân sách.

Ngay sau khi Đề án số 01 được ban hành, tất cả cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc tổ chức thực hiện, bằng nhiều hình thức như hội nghị, tọa đàm, phổ biến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan... Các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, đồng thuận và thống nhất cao trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. Tỉnh mạnh dạn giải thể tất cả các chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đưa đảng viên về sinh hoạt cùng khu dân cư. Nhiều mô hình mới, táo bạo được Vĩnh Phúc thí điểm đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức, bộ máy như sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy và Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành Ban Tuyên giáo-Dân vận Huyện ủy tại huyện Vĩnh Tường.

Cùng với Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, nhiều địa phương cũng quyết liệt trong thí điểm các mô hình mới có tính đột phá như tỉnh Lào Cai hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông; tỉnh Cao Bằng hợp nhất Sở Kế hoạch và Ðầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính-Kế hoạch. Về thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tỉnh An Giang thực hiện Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ... Đây là những mô hình có tính chất mở đường cho quá trình sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.

Việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng được các địa phương, đơn vị gắn chặt với Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Nhiều cơ quan Trung ương tích cực trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Nổi bật là Bộ Công an đã bỏ sáu tổng cục, hai bộ tư lệnh tương đương cấp tổng cục, cắt giảm 55 đơn vị cấp cục, 1.000 đơn vị cấp phòng. Tính đến năm 2021, tổ chức hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Về biên chế công chức các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015. Theo số liệu của Bộ Tài chính về công khai số liệu dự toán ngân sách nhà nước, sau thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng.

Tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy không những tinh gọn mà đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được phân định rõ ràng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm đã góp phần đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Có thể thấy rõ nhất là mô hình sáp nhập Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tại tỉnh Gia Lai sau khi sáp nhập Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã giảm một đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy và 5 đầu mối các ban. Thế nhưng với cơ cấu mới, chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy Khối sau hợp nhất cơ bản thực hiện song trùng theo các quy định của Ban Bí thư, có bổ sung thêm một số nhiệm vụ để bảo đảm lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng. Các thành quả, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hai đảng ủy khối trước đây được kế thừa, vận dụng phù hợp tình hình thực tiễn.

Việc thí điểm nhất thể, kiêm nhiệm hóa chức danh ở nhiều vị trí cũng phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ tháng 4/2018, tỉnh Quảng Bình tiến hành nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện tại cả tám đơn vị cấp huyện. Theo đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, việc kiêm nhiệm chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện đã gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp huyện về lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị với khâu tổ chức thực hiện. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy nên giảm nhiều khâu trung gian trong tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị.

Một vị trí kiêm nhiệm chức danh khác là Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và tỉnh cũng khắc phục hạn chế, phát huy tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác quần chúng của Đảng. Tỉnh Bạc Liêu là địa phương thực hiện sớm nhất mô hình Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, bắt đầu từ trước nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Tỉnh ủy Bạc Liêu, khi kiêm nhiệm thì người đứng đầu có điều kiện nắm bắt, lắng nghe đầy đủ và kịp thời hơn ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, bao quát, chặt chẽ hơn trong quá trình tham mưu, giúp cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; cấp phó của hai cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn trong giải quyết công việc hằng ngày, nhất là các phong trào, các cuộc vận động.

Đắk Lắk là tỉnh mạnh dạn triển khai thí điểm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, khi Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã giúp cho công tác dân vận và mặt trận của tỉnh triển khai ngày càng chặt chẽ, hợp lý, khoa học hơn, gắn kết và tập trung các hoạt động chính trị của địa phương; khắc phục được tình trạng hành chính hóa công văn giấy tờ... Bên cạnh việc giảm được đầu mối, giảm biên chế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, việc thực hiện chủ trương thí điểm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã giúp giảm các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát... liên quan công tác của dân vận và Mặt trận, tạo bước đột phá trong quá trình sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, nhất là phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội...

Bên cạnh đó còn nhiều mô hình mới, vị trí kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động như: hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các văn phòng cấp ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ...

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương từ năm 2017 đến 2020 được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Những chủ trương, quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết cơ bản là đúng, việc thực hiện đã đạt những kết quả quan trọng bước đầu cả về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, hợp lý hóa và tinh giản cơ cấu tổ chức bộ máy ở tất cả các cấp, hoàn thiện hơn cơ chế hoạt động của cả hệ thống chính trị cũng như từng phân hệ của hệ thống chính trị.

(Còn nữa)