Tăng giá điện, tăng áp lực cho công nhân

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 1/12 vừa qua, đại diện Bộ Công thương cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, do ngành điện đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn khi giá nhiên liệu tăng đột biến.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Một phòng trọ của công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa: Một phòng trọ của công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng một kWh, cao nhất 3.356 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng một kWh đang áp dụng. Theo Bộ Công thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.

Thông tin này đưa ra vào thời điểm giáp Tết, khi giá cả sinh hoạt đã đón đầu tăng trước; thêm vào đó, thông tin tăng giá điện càng khiến đa số công nhân đang thuê trọ vốn đang phải chịu giá điện cao hơn so với quy định, càng thêm lo lắng. Bởi giá điện tăng, đồng nghĩa với việc tăng thêm nỗi lo chi phí phát sinh. Qua khảo sát nhanh đa số công nhân lao động, các cán bộ công đoàn cho rằng tình hình việc làm, thu nhập đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng giá điện sẽ kéo theo các chi phí tiêu dùng khác.

Đối với khoảng 4,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, trong đó có tới hơn 60% công nhân nhập cư đang thuê trọ, ngoài chi phí phòng trọ, tiền điện cũng chiếm một phần cố định quan trọng trong chi tiêu của họ.

Đối với khoảng 4,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, trong đó có tới hơn 60% công nhân nhập cư đang thuê trọ, ngoài chi phí phòng trọ, tiền điện cũng chiếm một phần cố định quan trọng trong chi tiêu của họ. Mặc dù đã có những quy định cụ thể để người lao động được hưởng giá điện sinh hoạt, chỉ cần chủ nhà trọ làm thủ tục đăng ký với ngành điện địa phương. Tuy nhiên, đa phần chủ nhà trọ không làm việc này, chấp nhận giá điện kinh doanh, cộng thêm chi phí khấu hao, hao hụt điện, đường dây, nên họ sẽ tự quy định giá điện. Do đó, nhiều nơi trọ, giá điện chủ nhà trọ thu về lên tới 4.000 đồng/1 kWh.

Cuối cùng, chi phí tăng, người thuê trọ phải gánh chịu. Bình quân, mỗi gia đình công nhân thuê trọ, dù đã cắt giảm tối đa mọi thiết bị sinh hoạt như ti-vi, điều hòa, thậm chí không tủ lạnh, mỗi tháng họ vẫn phải chi phí từ 150 đến 200 nghìn đồng tiền điện. Với thu nhập đang sa sút do thiếu đơn hàng, hàng trăm nghìn người lao động đang mất việc, ảnh hưởng việc làm, việc phải chi tiêu đối với công nhân xa quê, thuê trọ, với hàng chục khoản chi phí sinh hoạt, thì việc phải chi số tiền vài trăm nghìn đồng cho tiền điện cũng là số tiền lớn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc này cần lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành trước khi tăng giá điện. Theo đó, phải tính toán kỹ càng phương án lạm phát, do điện chiếm tỷ trọng tương đối nhiều trong cả nền sản xuất, tiêu dùng cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân. Giá điện tăng sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo.

Doanh nghiệp, người dân lại phải chịu cảnh tăng giá hai lần, vừa tăng nguyên vật liệu đầu vào, vừa tăng giá điện. Do vậy cần phải đánh giá thận trọng việc nếu tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới bức tranh chung của nền kinh tế. Cần có đánh giá cụ thể, dự báo việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, việc tăng mức nào, tăng bao nhiêu % cần phải tính toán kỹ, nếu không làm tốt điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, trước thực trạng gần nửa triệu công nhân, lao động đang bị ảnh hưởng thu nhập, việc làm, trước mắt, Nhà nước chưa nên tăng giá điện nhằm giảm áp lực khó khăn cho đối tượng này. Thời gian tới, nếu tăng, cần có chính sách cụ thể để công nhân, lao động được hưởng giá điện theo những bậc giá thấp theo quy định hiện hành.