Mất cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá điện

NDO - Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm cân đối tài chính của EVN.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của tập đoàn EVN.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của tập đoàn EVN.

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm cân đối tài chính của EVN.

Trong điều kiện như vậy, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành, các địa phương, toàn thể cán bộ công nhân viên của Tập đoàn đã hết sức nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800MW, tăng gần 1.400MW so với năm 2021, đứng đầu khu vực ASEAN; trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.

Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ. EVN đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hóa các dịch vụ điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia, Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công; Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%.

Từ tháng 1/2022, EVN đã công bố hệ sinh thái số-EVNCONNECT, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, EVN đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2022. Năm 2022, EVN được Hội Truyền thông số cấp trao tăng các giải thưởng “Doanh nghiệp Công nghiệp 4.0” và là năm thứ 4 liên tiếp được nhận giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”.

Dù gặp nhiều khó khăn song công tác đầu tư xây dựng của EVN cũng đã đạt được những thành tích ấn tượng. Tập đoàn đã đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình lưới điện 110-500kV, trong đó đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng như đường dây 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi, lưới điện đồng bộ Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1; đường 220kV Nậm Mô-Tương Dương, Các dự án nguồn điện như Thủy điện Ialy Mở rộng; Thủy điện Hoà Bình Mở rộng... được triển khai khẩn trương. Ngoài ra, EVN cũng triển khai thủ tục đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III&IV, Thủy điện Trị An Mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái, ...

Công tác cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, xã đảo tiếp tục được chú trọng, trong đó đã đưa vào vận hành Đường dây 220kV Kiên Bình-Phú Quốc, đang triển khai thủ tục đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo. Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.

Toàn tập đoàn đã triển khai công tác bảo vệ môi trường nghiêm túc, quyết liệt, gắn với việc phát triển bền vững. Năm 2022, lượng tro xỉ tiêu thụ ước 8,5 triệu tấn, bằng 115,2% so với lượng tro xỉ phát sinh trong năm.

Mất cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá điện ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2022, là một năm hết sức khó khăn đối với EVN do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện, tỷ giá tăng cao. Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản trị, tiết giảm chi phí.

Cụ thể, EVN tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ công nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020,… nhờ đó đã tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng.

Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực cố gắng nhưng EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, nên kết quả năm 2022, EVN vẫn mất cân bằng tài chính rất lớn. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, quán triệt sâu sắc định hướng chung của Đảng và Chính phủ, EVN đã lựa chọn chủ đề năm 2023 là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo đó, 5 lĩnh vực trọng tâm EVN đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 gồm: sản xuất kinh doanh; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng tài sản; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của EVN trong năm 2023: sản lượng thương phẩm: 251,1 tỷ kW giờ; kế hoạch vốn đầu tư: 94.860 tỷ đồng; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6,15%; độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI không quá 318 phút; năng suất lao động tăng trên 8%; bảo đảm cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.