Tăng đầu tư công, kiên quyết với các dự án ì ạch

Tại kỳ họp thứ 13, cũng là kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 10 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố là hơn 75.577 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố chủ yếu tập trung ở các dự án trọng điểm như bố trí vốn cho dự án xây dựng nút giao thông An Phú 500 tỷ đồng; dự án xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) 500 tỷ đồng; dự án cây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) 1.500 tỷ đồng.

Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi đã ban hành quyết định khen thưởng sáu quận (Quận 1, 4, 8, 10, Gò Vấp, Phú Nhuận) và hai huyện Bình Chánh, Củ Chi do thực hiện rất tốt, hiệu quả phong trào thi đua 60 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Các địa phương này với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, ý chí quyết tâm cao của đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mua sắm trang thiết bị, thi công xây lắp của các dự án... Đặc biệt, quận Gò Vấp đã giải ngân đạt 99% tổng số vốn được giao (1.640 tỷ đồng).

Điều đó cho thấy, một khi các địa phương nỗ lực và chủ động trong công tác giải ngân thì kết quả sẽ trong tầm tay, bởi hơn ai hết, chính quyền địa phương là người cầm trịch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, được xem là quyết định 70% tiến độ đầu tư của dự án. Đây là bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Với sự quyết tâm và đồng lòng, chỉ trong vòng sáu tháng của năm 2023, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân đã đạt 85-90%. Tính đến ngày 6/12, thành phố đã giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2% vốn đầu tư công được duyệt năm 2023. Thành phố quyết tâm phấn đấu đến cuối tháng 12 này nâng tỷ lệ giải ngân lên hơn 80%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi một đồng vốn đầu tư còn nằm trong "túi" Nhà nước, chậm "chảy" vào dự án, vào công trình ngày nào thì thiệt hại không thể kể bằng tháng mà có khi bằng năm, kéo theo cả hệ thống bị ảnh hưởng, nhất là "neo" đời sống của người dân theo sự chậm trễ của công trình.

Do đó, chính quyền thành phố cần kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, thay các chủ đầu tư thực hiện dự án ì ạch, kéo dài, kể cả thay cán bộ không chịu giải ngân; tránh lặp đi lặp lại tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; nghiêm túc khắc phục thực trạng năng lực chủ đầu tư chưa tốt, các địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng. Song song đó, cần kiểm tra và khắc phục các dự án đầu tư tồn đọng, kéo dài để có hướng xử lý dứt điểm, làm sao để kết quả đầu tư công của năm tới đạt cao hơn, thực chất hơn.