Tăng cường vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm

Ngành ngân hàng đang phối hợp cùng các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các quận, huyện, thành phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tiếp sức vốn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là dịp cuối năm để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp theo chuyên đề

Với mục tiêu hoàn thành kế hoạch chương trình kết nối năm 2024; đồng thời, tạo hiệu ứng và hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, trong tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp sở, ngành liên quan, tổ chức ba hội nghị kết nối chuyên đề: Hội nghị kết nối cho vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối cho vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; kết nối cho vay vốn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là các nhóm ngành lĩnh vực thuộc năm nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng kinh tế, thường nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây và thời gian còn lại của năm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tính thời vụ, thường quý cuối năm, nhu cầu vốn cũng tăng cao, ngành ngân hàng đang tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng vốn cho các tháng cuối năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong chín tháng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố đã phối hợp Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức được 31 hội nghị đối thoại và ký kết cho vay vốn; trong đó, ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với 58.144 tỷ đồng, cho 4.495 khách hàng, doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình cũng là kênh đối thoại, phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về vốn, dịch vụ ngân hàng; tổng số lượt doanh nghiệp tham gia là hơn 6.000. Đến nay, gói tín dụng do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm tham gia chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã giải ngân 425.659 tỷ đồng cho 146.906 khách hàng, bằng 83,4% quy mô gói; qua đó trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất để tăng trưởng và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng cung vốn lãi suất thấp

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Trong 9 tháng năm 2024, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng tín dụng 8,5%. Trong đó, nhiều ngân hàng có tỷ trọng cho vay khối khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân ở mức cao. Điều này chứng tỏ nhu cầu vốn tín dụng của khối kinh tế tư nhân đang khởi sắc và được hệ thống ngân hàng đáp ứng tốt. Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp vừa được tổ chức, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cam kết dành khoảng 5.000 tỷ đồng để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong các tháng tới phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.

“Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm 2024, nếu nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng cao, ACB có thể tăng quy mô gói tín dụng này lên mức 10.000 tỷ đồng hoặc có thể lên tới 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi”, ông Từ Tiến Phát nhấn mạnh. Không chỉ cung cấp nguồn vốn giá rẻ, lãnh đạo ACB cho biết: Ngân hàng sẽ cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng bao gồm cho vay tín chấp, theo dòng tiền, thấu chi… Ngoài ra, ACB cũng có chương trình liên quan đến tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ESG của những đối tác ngoài nước. Ngay tại hội nghị, ACB đã ký hợp đồng tín dụng cho 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị lên đến 3.600 tỷ đồng.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh chia sẻ: Các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang chuẩn bị vào đợt kinh doanh cao điểm cuối năm; do đó, nhu cầu vốn tăng cao. Việc các ngân hàng chủ động kết nối với doanh nghiệp trong thời điểm này là rất kịp thời. Cùng với lãi suất cho vay hiện nay ở mức từ 5,8-6,5%/năm là khá thấp so với nhiều năm qua và rất thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn rẻ. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động tìm nguồn vốn vay phù hợp, từ đó làm nguồn lực sản xuất hàng hóa phục vụ mùa lễ, Tết.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, việc tổ chức ba hội nghị kết nối ngân hàng quy mô lớn và theo ba chuyên đề trong tháng 10, với mục tiêu đáp ứng vốn, nhất là gắn với các chính sách lãi suất, chính sách cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ; cho vay năm nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi… sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cho hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là giải pháp và hành động cụ thể để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ tăng trưởng trong những tháng cuối năm, cũng như tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng thuận lợi, phục vụ tốt cho nhu cầu cuối năm.