Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại một số địa phương, các ban quản lý và sở, ngành liên quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt.
0:00 / 0:00
0:00
Do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đã khiến cho dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) bị chậm tiến độ.
Do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đã khiến cho dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) bị chậm tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, giải pháp tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới là Đồng Nai đã đề xuất với Trung ương để lại cho tỉnh 100% số tiền thu vượt ngân sách hằng năm, điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách từ 50% lên 65%... Tuy nhiên, muốn thuyết phục được Trung ương thì các sở, ngành, địa phương phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm nay.

Tính đến hết tháng 9, tỉnh Đồng Nai mới chỉ giải ngân được 7.870 tỷ đồng, đạt bình quân 38,5% chỉ tiêu nguồn vốn cả Trung ương và địa phương. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân chiếm tỷ lệ thấp hơn, trung bình chỉ ở mức 35%, cụ thể, cấp tỉnh gần 31%, cấp huyện hơn 46%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: Khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công không phải khâu xây lắp mà là bồi thường, giải phóng mặt bằng; phần lớn vướng mắc về cơ chế chính sách là do ở giai đoạn chuyển tiếp. Đến nay vấn đề này đã được tháo gỡ và huyện đang quyết liệt chỉ đạo, vận động nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng để thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 với quyết tâm đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% cả vốn tỉnh và huyện đối với các công trình ở Thống Nhất.

Nhìn chung, các công trình, dự án trọng điểm ở Đồng Nai hiện nay có sự chuyển biến nhất định về tiến độ giải ngân nhưng vẫn rất chậm so với lộ trình đề ra. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đầu năm đến nay có 29 đơn vị cấp tỉnh giải ngân vốn đầu tư công chậm và chỉ có 3/11 địa phương cấp huyện đạt tỷ lệ giải ngân 60% trở lên. Lãnh đạo thành phố Biên Hòa, một số huyện, ban quản lý dự án khẳng định, thời gian này đang quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng mọi biện pháp, để có thể đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công được phân bổ cho cả năm 2024.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai Ngô Thế Ân cho biết: Tính đến hết tháng 9, đơn vị giải ngân được 43% số lượng vốn, con số này sẽ tăng lên 51% trong tháng 10 và chốt khối lượng tháng 12 để giải ngân trong tháng 1/2025 đạt tỷ lệ 96%. Để làm được điều đó, rất cần các vị trí mặt bằng sạch phải bàn giao cho Ban quản lý chậm nhất là cuối tháng 10 này. Hiện một số vị trí, địa phương đã giao mặt bằng cho ban quản lý, nhưng đơn vị thi công chưa vào làm được do thiếu đường kết nối.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu là do khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhiều công trình, dự án chưa theo kịp, làm cho nguồn vốn bố trí chưa phát huy tối đa hiệu quả. Do đó, muốn cải thiện tình hình, phải tháo gỡ cho được những “nút thắt” này. Vấn đề lớn nhất là hiện toàn tỉnh còn thiếu hơn 4.000 lô đất tái định cư. Cần trả nợ dứt điểm số lô tái định cư từ nay đến năm 2025 và chuẩn bị trước các khu tái định cư đủ phục vụ cho lộ trình phát triển tiếp theo, là yêu cầu lãnh đạo tỉnh đặt ra đối với tất cả địa phương.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, sắp tới, Luật Đầu tư công mới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho địa phương. Chẳng hạn, hiện tại chỉ những dự án nhóm A mới được tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành một dự án, còn sắp tới tất cả dự án đầu tư công đều có thể tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Do đó, cần làm tốt khâu chuẩn bị hồ sơ dự án từ khâu khảo sát, tư vấn, thiết kế, đấu thầu, tránh việc tư vấn, thiết kế yếu đến khi triển khai lại phải điều chỉnh, dẫn tới chậm tiến độ và tăng vốn.

Nguồn vốn đầu tư ngắn hạn đang gặp tình trạng “hấp thụ” không hết, trong khi nguồn vốn đầu tư trung hạn và dài hạn dự tính cần rất lớn nhưng nguồn dự báo lại rất khó khăn. Trước bài toán thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình giao thông và trường học, một mặt chờ cơ chế của Chính phủ, mặt khác, tự thân đội ngũ cán bộ Đồng Nai phải vượt lên tự khắc phục, hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý: Nguồn lực tỉnh đã phân bổ hết cho các dự án nhưng quá trình hấp thụ vốn quá chậm chạp. Trong khi các dự án mới đang khát vốn thì lại không còn nguồn để bố trí, nhất là các huyện đang rất cần đầu tư đường giao thông để “trả nợ” gấp các tiêu chí nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu và Biên Hòa cần “vá lỗ hổng” một số tiêu chí đô thị loại I đang còn “treo” dự án. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị: Biên Hòa phải có lộ trình cụ thể trong việc trả nợ các tiêu chí đô thị loại I; quyết liệt trong việc thực hiện tái định cư để giải phóng mặt bằng, tiến hành các dự án. Không làm được việc này thì khó thúc đẩy phát triển.