Xử lý chất thải rắn tại các đảo, khu vực ven biển

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Chính sách và mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và đại diện của nhiều địa phương.
Người dân thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham gia dọn rác tại xã Long Sơn.
Người dân thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham gia dọn rác tại xã Long Sơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Trong những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã nhận thức được những giá trị, lợi ích từ bảo vệ môi trường, từ tái chế chất thải nên đã thực hiện nhiều mô hình phân loại chất thải tại nguồn; đồng thời, có những giải pháp để tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tái chế từ chất thải.

Tuy nhiên, mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60.000 tấn chất thải sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường. Nhiều hòn đảo lớn như Phú Quốc, Nam Du, Lý Sơn, Côn Đảo… đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, số khác thì bị ảnh hưởng bởi rác thải sinh hoạt.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt bắt buộc phải được phân loại, áp dụng chậm nhất từ ngày 1/1/2025. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của từng địa phương. Do đó, để mục tiêu phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và từng người dân. Như vậy, còn chưa đầy ba tháng nữa quy định phân loại rác tại nguồn bắt buộc phải thực hiện.

Việc tiếp cận thực hiện các chính sách về môi trường, cụ thể là phân loại rác tại nguồn dựa vào cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Quốc Đăng cho biết: Năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn phát sinh khoảng 421.575 tấn, trung bình khoảng 1.170 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 99%; nông thôn được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 90%.

Hiện nay, tỉnh có một khu chôn lấp hợp vệ sinh của Công ty TNHH KBEC Vina tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Mặc dù công ty này liên tục vi phạm về môi trường và bị tỉnh xử phạt nhiều lần nhưng tỉnh cũng không có sự lựa chọn nào khác là mang rác thải sinh hoạt về đây xử lý. Riêng lượng rác tại huyện Côn Đảo được thu gom, lưu giữ tại Bãi Nhát, tỉnh đã lựa chọn Công ty cổ phần Đầu tư Kim Trường Phát đầu tư hoàn thành hai lò đốt rác (một lò công suất khoảng 13 tấn/ngày; một lò công suất khoảng 80 tấn/ngày), đang hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động trong quý IV/2024.

Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung hoàn tất các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên (công suất xử lý 1.000 tấn/ngày, phát điện 20MW) và dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày). Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chế biến phân compost Tân Thành công suất 500 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy, Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Ở các bãi biển của các địa phương hiện nay đang phải đối mặt với những vấn nạn mới, nghiêm trọng nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nạn chất thải rắn sinh hoạt ở bờ biển. Tại các bãi biển có nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch được dân địa phương lập ra một cách tự phát, không tuân thủ quy định về môi trường; trên bờ biển cũng không có thùng rác công cộng; cộng thêm sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân địa phương và khách du lịch đã khiến nơi đây nhanh chóng trở thành một “túi rác” khổng lồ. Nguyên nhân, do nhiều bãi biển chưa được địa phương quan tâm đúng mức, nguồn kinh phí chưa thể phân bổ đầu tư cho tất cả các mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ven biển; cơ chế, chính sách còn chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng và ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao.

Để cơ bản giải quyết tình trạng chất thải rắn sinh hoạt ở các bãi biển, tiến tới loại bỏ chất thải rắn sinh hoạt, nhất là túi ni-lông; quan tâm hơn đến các phong trào dọn chất thải rắn sinh hoạt ở bờ biển; có phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở bờ biển hiệu quả và nâng cao nhận thức cho người dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, chia sẻ về một số mô hình, giải pháp, kinh nghiệm của các địa phương trên cả nước trong thực hiện chính sách, quy định phân loại rác tại nguồn. Trong đó, có nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay được đưa ra tại hội thảo là tiền đề cho việc thực hiện hiệu quả chính sách phân loại rác tại nguồn trong thời gian tới.