Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ

Hằng năm Bình Phước có khoảng 1.500 thanh niên lên đường nhập ngũ; trong đó, ít nhất 2% là đảng viên. Khi xuất ngũ trở về địa phương, đội ngũ đảng viên quân nhân là những nhân tố tích cực, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, để thật sự phát huy tốt vai trò của lực lượng này, cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trao quyết định thành lập chi bộ ở doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành.
Lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trao quyết định thành lập chi bộ ở doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành.

Góp phần củng cố cơ sở

Trở thành đảng viên trước khi nhập ngũ hoặc được kết nạp đảng trong quân ngũ là niềm vinh dự, tự hào của mỗi thanh niên. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, những người đảng viên được rèn luyện trong môi trường quân đội luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tiên phong đi đầu trong các hoạt động xã hội ở địa phương, qua đó góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng khẳng định: Đội ngũ đảng viên xuất ngũ về các địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, nhiều đồng chí còn phát huy kiến thức tích lũy được để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Trong đó, nhiều đồng chí được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.

Tại Thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng có tám dân tộc anh em, với 1.100 nhân khẩu sinh sống. Hiện nay Chi bộ thôn có 13 đảng viên đang sinh hoạt; trong đó có 10 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, công tác tạo nguồn phát triển Đảng của chi bộ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là đa số đoàn viên, thanh niên trưởng thành đều đi làm ăn xa.

Năm 2020, Chi bộ Thôn 1 tiếp nhận đảng viên Phan Văn Nghĩa là công an nghĩa vụ xuất ngũ trở về địa phương nên đã bàn bạc và thống nhất phân công đồng chí Nghĩa đảm nhiệm thêm cương vị Thôn đội trưởng. Đồng chí Ngô Thị Kim Chi, Bí thư Chi bộ Thôn 1 cho biết: Từ khi nhận thêm nhiệm vụ mới, đồng chí Nghĩa luôn phát huy tốt phẩm chất người chiến sĩ công an nhân dân, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; đóng góp nhiều ý kiến hay để xây dựng chi bộ thêm vững mạnh, được nhiều đảng viên và đảng bộ cấp trên đánh giá cao. Đảng bộ huyện biên giới Bù Đốp hiện có 50 tổ chức cơ sở đảng; trong đó, có 12 đảng bộ cơ sở, 38 chi bộ cơ sở, với 2.055 đảng viên.

Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện đã tiếp nhận 53 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Xác định việc giữ chân đảng viên xuất ngũ cống hiến cho địa phương sẽ góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thêm vững mạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đốp Nguyễn Thị Trung Hiếu cho biết: Đến nay, huyện đã bố trí được 20 đồng chí là đảng viên xuất ngũ vào các vị trí trong hệ thống chính trị của huyện, như: Hội Chữ thập đỏ xã, Ban Chỉ huy quân sự xã, thị trấn, trưởng thôn, công an viên, dân quân thường trực xã, thị trấn…

Cần thêm nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, thời gian đầu, các đảng viên là quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt tại các chi bộ nơi cư trú đầy đủ, nhiệt tình. Tuy nhiên, một thời gian sau vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người làm đơn xin miễn sinh hoạt để “ly hương” làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều đồng chí do không tham gia sinh hoạt định kỳ, không đóng đảng phí theo quy định nên bị xóa tên khỏi tổ chức đảng. Số liệu thống kê cho thấy, nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Phước có 64 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng; nhiệm kỳ 2020-2025 dù chưa kết thúc nhưng đã có 93 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng.

Từ thực tế nêu trên, tỉnh Bình Phước đã triển khai đề án đẩy mạnh kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 phấn đấu thành lập từ 25-35 chi bộ trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu kinh tế. Đây là một trong những giải pháp phát triển tổ chức đảng ở các khu công nghiệp cũng như tạo điều kiện cho đảng viên xuất ngũ sinh hoạt đảng khi phải xa nhà mưu sinh.

Anh Nguyễn Bá Toàn được vinh dự kết nạp Đảng tại Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đi làm công nhân cách nhà hơn 30 km. Anh Toàn cho biết: “Các đồng chí trong chi bộ ngoài việc động viên, cũng đã linh động bố trí sắp xếp sinh hoạt vào ngày chủ nhật nhằm tạo điều kiện cho những đảng viên đi làm trong công ty, doanh nghiệp tham gia sinh hoạt đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khá bất cập khi công ty thường xuyên tăng ca nên tôi không chủ động được thời gian. Rất vui khi vừa qua, Công ty TNHH Beesco Vina nơi tôi làm việc đã thành lập được chi bộ đảng với 9 đảng viên. Từ giờ về sau, việc sinh hoạt chi bộ của tôi cũng như các đảng viên khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Xác định đảng viên xuất ngũ trở về địa phương là những nhân tố tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng yêu cầu: Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thời gian tới cần quan tâm gặp gỡ các đảng viên xuất ngũ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện hết sức có thể để sắp xếp, sử dụng đội ngũ đảng viên xuất ngũ sao cho hiệu quả. Cùng với đó, phải tăng cường kết nối với doanh nghiệp, các trường học để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quá trình đào tạo nghề cần đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đảng viên xuất ngũ.