Tăng cường truy quét hàng giả, hàng lậu

Lực lượng quản lý thị trường thành phố đang triển khai hàng loạt đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, phát hiện, tạm giữ nhiều hàng hóa là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mắt kính thời trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Phường 11, quận Bình Thạnh. (Ảnh CTV)
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mắt kính thời trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Phường 11, quận Bình Thạnh. (Ảnh CTV)

Ông Nguyễn Tiến Ðạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết: Triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh, các cơ quan, tổ chức, làng nghề, hội, hiệp hội ngành nghề… nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng lậu; đấu tranh phòng, chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch.

Cục Quản lý thị trường thành phố đề ra mục tiêu năm 2023, tất cả cơ sở kinh doanh vi phạm trong năm 2022 về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tái phạm; tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử ký cam kết không bày bán công khai các mặt hàng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tất cả cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến phố du lịch không bày bán công khai mặt hàng giả, hàng lậu; 60% số tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng lậu.

Ngày 11/3, các đội quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố đồng loạt kiểm tra 16 địa điểm kinh doanh tại quận 1, 3, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Kết quả, các tổ công tác phát hiện 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Nike, Adidas, Dior, Rolex…; chín vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá.

Cục Quản lý thị trường thành phố lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm; đồng thời, tạm giữ 2.487 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm các loại, trong đó có 637 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật. Trước đó, ngày 10/3, các đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 15 vụ, trong đó có 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex…; bốn vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá... Cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 3.508 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm các loại, trong đó có 598 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.

Qua hai đợt kiểm tra gần đây, phần lớn các vi phạm tại các cửa hàng kinh doanh là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thời trang như: Quần áo, giày dép, mắt kính, đồng hồ… Ðáng chú ý, Ðội Quản lý thị trường số 12 kiểm tra hộ kinh doanh Thiên Phú, địa chỉ số 22 Nguyễn Oanh, Phường 7 (quận Gò Vấp) phát hiện tại đây kinh doanh 116 đồng hồ, mắt kính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Rayban, Lacoste, Casio, Daniel Wellington, Chanel, Gucci, Burberry. Ðội Quản lý thị trường số 11 kiểm tra cửa hàng BGHouse, địa chỉ số 118 đường Ông Ích Khiêm, Phường 5, Quận 11, phát hiện tại đây kinh doanh 156 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Ðội Quản lý thị trường số 12 kiểm tra hộ kinh doanh Thái Việt Anh, địa chỉ số 575 đường Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp, phát hiện tại đây kinh doanh 28 cái mắt kính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Lacoste, Boss, Porsche Design và 216 mắt kính không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Trong đợt ra quân truy quét này, ngoài phát hiện các mặt hàng thời trang giả mạo, lực lượng chức năng còn phát hiện, tạm giữ hàng trăm hộp sữa, chai rượu ngoại, không có hóa đơn chứng từ được bày bán tại các cửa hàng. Cụ thể, Ðội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra hộ kinh doanh Thanh Uyên, địa chỉ số 55 Bis A đường Nguyễn Thông, Phường 9, Quận 3, phát hiện tại đây kinh doanh 446 đơn vị sản phẩm thực phẩm (kẹo sâm, pate, lúa mạch, sữa nước, bột cà-phê, sữa bột) xuất xứ Hàn Quốc, Mỹ, không có hóa đơn, chứng từ; kiểm tra hộ kinh doanh bách hóa Gia Khang, địa chỉ số 601, Trần Hưng Ðạo, phường Cầu Kho, Quận 1, phát hiện tại đây kinh doanh 67 chai rượu xuất xứ Ý, Úc, Hà Lan, Nam Phi, Anh, Hàn Quốc, Scotland không có hóa đơn, chứng từ; kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tâm, địa chỉ số 250B Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3, lực lượng chức năng phát hiện tại đây kinh doanh 207 đơn vị sản phẩm thực phẩm (sữa nước, sữa bột, rượu) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ…

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, bên cạnh lực lượng chính là các đội quản lý thị trường quản lý địa bàn, trong năm 2023, các đội quản lý thị trường cơ động sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đột xuất, đồng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, mũ bảo hiểm, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm thương mại truyền thống và trên nền tảng số có quy mô lớn, liên quận/huyện, liên tỉnh... Sau đó, thông tin kết quả kiểm tra, xử lý cho các đội quản lý thị trường quản lý địa bàn để cập nhật cơ sở dữ liệu, theo dõi, báo cáo ■