Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản ở Thanh Hóa

NDO -

Tỉnh Thanh Hóa hiện còn 27 mỏ đá, mỏ đất đã cấp phép khai thác nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh còn chậm.

Hai tàu hút cát trái phép trên sông Chu bị Công an Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ.
Hai tàu hút cát trái phép trên sông Chu bị Công an Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ.

Nhiều doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera để kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản thực tế; chưa xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình phụ trợ phục vụ khai thác mỏ, công trình bảo vệ môi trường, khai thác ngoài mốc giới, không đúng quy trình, vượt quá công suất, không đúng thiết kế được phê duyệt; chưa lập, phê duyệt thiết kế mỏ, lập báo cáo giám sát chất lượng môi trường chưa đầy đủ.

Giấy phép khai thác hết hạn nhưng có chủ mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ; nhiều mỏ hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động vẫn chưa phục hồi môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tai nạn. Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong hoạt động khoáng sản chưa được một số đơn vị chú trọng; tình trạng mất an toàn lao động có chiều hướng gia tăng.

Đến 31/8/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 202 doanh nghiệp (chiếm 45,9% tổng số doanh nghiệp có hoạt động khoáng sản) nợ đọng tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp và thu khác với tổng số nợ là 132,664 tỷ đồng.

Chính quyền một số huyện, xã chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản nên còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường kéo dài trên địa bàn.

Cùng với việc rà soát lại 27 mỏ đất, mỏ đá, xin ý kiến chỉ đạo, trình Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ sung các mỏ đủ điều kiện vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với 15 mỏ đã được cấp phép khai thác, Thanh Hóa chỉ cấp phép thăm dò và khai thác các mỏ khoáng sản có trong quy hoạch, thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.

Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo thẩm quyền đối với các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm nhưng không khắc phục; xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng các quy định về quản lý khoáng sản; thu hồi các mỏ đã được cấp phép nhưng nhiều năm chưa đưa vào khai thác.

Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo việc lắp đặt trạm cân và camera để giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ để kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; cắm mốc giới cố định trên bờ, thả phao khu vực ngập nước để xác định khu vực khai thác các mỏ cát; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Thanh Hóa có 298 mỏ, gồm: 130 mỏ đất (trữ lượng 116,3 triệu m3 ), 47 mỏ đá (trữ lượng 137,96 triệu m3 ), 117 mỏ cát, sỏi (trữ lượng 21,517 triệu m3 ), 4 mỏ cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp (trữ lượng 2,365 triệu m3).

Từ năm 2018 đến 31/7/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép thăm dò khoáng sản 13 mỏ cát, 36 mỏ đá, 19 mỏ đất san lấp, 9 mỏ đất sét; phê duyệt trữ lượng của 17 mỏ cát, 42 mỏ đá, 30 mỏ đất; cấp mới giấy phép khai thác 72 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gia hạn 14 mỏ, cấp lại 40 mỏ, chuyển nhượng 32 mỏ. Trong tỉnh hiện có 221 đơn vị khai thác, chế biến đá; 31 đơn vị khai thác cát; 34 đơn vị khai thác đất; 24 đơn vị khai thác đất sét sản xuất gạch tuynel.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.  Ứng dụng đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, có 9 đơn vị có mỏ đá đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất cát nghiền, với tổng công suất khoảng 0,83 triệu m3/năm. Đề án giám sát khai thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản hiện phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến 31/7/2021, các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách nhà nước 3.719.192 triệu đồng.