Tăng cường quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa tại Phú Yên

NDO -

NDĐT - Ngày 18-6, tại thành phố Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa tại Phú Yên

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên tại hội nghị cho biết, hiện nay tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 524 tấn/ngày. Năng lực thu gom của tỉnh chỉ đạt 448 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,5%. Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 bãi chôn lấp chất thải tập trung. Ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương, rác thải từ lồng bè nuôi trồng thủy sản theo gió đưa vào đất liền các huyện ven biển của tỉnh chưa được thu gom xử lý triệt để cũng đang là một thách thức lớn về môi trường tại tỉnh.

Trong những năm qua, Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải bằng xe chuyên dùng, nhiều mô hình hạn chế rác thải được triển khai tại tỉnh từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng trong về tác hại của chất thải rắn như: mô hình thu gom rác từ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu; thu tái chế chai nhựa và pin làm vật liệu xây dựng tại Trường cao đẳng nghề Phú Yên; tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa và khách sạn Kaya. Đồng thời, tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, giảm thiểu phát thải, tái chế rác thải, biến rác thành tài nguyên.

Tại hội nghị các đại biểu được nghe các tham luận về công tác bảo vệ môi trường, các giải pháp quản lý rác thải tại tỉnh. Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu là địa phương được chọn để triển khai mô hình điểm thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Xuân Đài. Phạm vi của mô hình có 224 hộ dân tham gia, thu gom ba lần/tuần. Mô hình này bước đầu giúp nâng cao ý thức của người dân về tác hại của rác thải đối với môi trường biển, giảm lượng rác thải ra vịnh. Để phát huy hiệu quả mô hình, ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên đề nghị cần nhân rộng mô hình thu gom rác thải vùng nuôi thủy sản ở các địa phương có nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường tuyên tuyền ,vận động người dân cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên biển.

Đại diện Chương trình Đại dương của WWF cho biết, Phú Yên có nguồn tài nguyên đa dạng và rất quý giá; tỉnh cũng là một trong các đô thị đầu tiên tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa. WWF đang và tỉnh Phú Yên đang phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý rác thải nhựa và chất thải nhựa đại dương đến năm 2030; triển khai cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa; chiến dịch truyền thông cuộc xâm chiếm của rác. WWF cam kết cùng với tỉnh đưa thành phố Tuy Hòa trở thành đô thị điểm, không rác thải nhựa trong những năm đến.

Để xây dựng Phú Yên trở thành tỉnh xanh - sạch - đẹp, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao hiệu quả thu gom vận chuyển chất thải, nhân rộng các mô hình điểm về xử lí rác thải nhựa, nhựa đại dương, giám sát thu gom vận chuyển rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% lượng rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh ra môi trường.

Dịp này, UBND tỉnh Phú Yên, WWF và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký cam kết tham gia Dự án Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.