Ý kiến cử tri

Tăng cường quản lý an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kết quả về phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đạt được từ đầu năm 2024 đến nay là đáng khích lệ. Đây là điều đáng mừng sau thời gian dài nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh về an ninh, an toàn thực phẩm. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh về an ninh, an toàn thực phẩm. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, điều đáng lo là gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như một số tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, hoặc có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng hàng trăm người, như vụ hơn 500 người phải nhập viện do ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh…

Mặc dù, ngay sau các vụ việc nêu trên xảy ra, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo, vào cuộc xử lý. Thế nhưng, người dân vẫn cảm thấy bất an vì cái gốc của vấn đề vẫn chưa được xử lý rốt ráo, khiến nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự còn có thể tiếp diễn, khi ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chưa cao.

Do vậy, tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu có biện pháp mạnh hơn để tăng cường quản lý đối với lĩnh vực an toàn lao động và các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Cùng với đó, cần xem lại việc thực thi pháp luật trong các lĩnh vực này để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động và sức khỏe của người dân.