Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai: Cần sự phối hợp liên ngành để hạn chế ngộ độc thực phẩm

NDO - Phải nói rằng ngộ độc thực phẩm không bao giờ hết được. Tuy nhiên, để hạn chế hết mức ngộ độc thực phẩm không xảy ra thì cần sự phối hợp nhịp nhàng liên ngành, trong đó chủ lực là y tế, công thương, nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung trả lời phóng viên Báo Nhân Dân vào ngày 20/5.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung trả lời phóng viên Báo Nhân Dân vào ngày 20/5.

Chỉ trong vòng 15 ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, khiến hơn 650 người nhập viện điều trị, gây hoang mang trong dư luận, khiến Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản hỏa tốc chỉ đạo. Vậy, ngành y tế Đồng Nai nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước khi để xảy ra các vụ việc trên và liệu ngộ độc thực phẩm tập thể có tái diễn hay không trên địa bàn? Đó là những nội dung chung quanh cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân với ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Xảy ra ngộ độc thực phẩm là trách nhiệm chung!

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào khi liên tục trên địa bàn xảy ra các vụ ngộ độc tập thể khiến hàng trăm người nhập viện, gây hoang mang trong một bộ phận người dân?

Ông Lê Quang Trung: Có thể nói nguy cơ ngộ độc thực phẩm tỉnh Đồng Nai luôn luôn ở mức cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng, bởi có nhiều khu công nghiệp, dân số đông. Trong khi đó, hệ thống cung cấp thức ăn rất lớn, đa dạng, lên đến hàng chục nghìn cơ sở.

Đối với 2 vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở thành phố Long Khánh liên quan cơ sở bánh mì B. và vụ tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom nguyên nhân đã được xác định có nhiều lý do, trong đó, người cung cấp và nguồn gốc thực phẩm.

Phóng viên: Bản thân ngành y tế đánh giá mình đã làm hết trách nhiệm hay chưa sau khi liên tiếp các vụ ngộ độc xảy ra, thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Nếu nói về trách nhiệm, chúng ta phải hiểu rằng ngộ độc thực phẩm không riêng của ngành y tế mà đó là liên ngành, rất nhiều lĩnh vực đi cùng, đó là trách nhiệm các ngành, như: Nông nghiệp, công thương, cấp quản lý từ địa phương đến trung ương đều có phân cấp của luật.

Đối với Đồng Nai có quyết định 31 phân cấp quản lý về thực phẩm tới từng cấp xã, huyện, tỉnh. Vì vậy, chúng ta phân rõ trách nhiệm, riêng với y tế chủ yếu là điều tra dịch tễ, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, còn các ngành khác như công thương, nông nghiệp là truy nguồn gốc.

Không phải tự nhiên mà chúng ta thành lập một Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, vì lĩnh vực này là trách nhiệm chung. Nếu không phát huy hiệu quả của Ban Chỉ đạo, hệ thống chính trị trong vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì chắc chắn sẽ xảy ra các vụ ngộ độc tiếp theo.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai: Cần sự phối hợp liên ngành để hạn chế ngộ độc thực phẩm ảnh 1

Vụ ngộ độc tập thể liên quan tiệm bánh mì B. ở thành phố Long Khánh khiến hơn 550 người nhập viện.

Sức khỏe mong manh khi thực phẩm bẩn bủa vây

Phóng viên: Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, rất nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp dịch vụ thức ăn nguy cơ ngộ độc thực phẩm được đánh giá rất cao? Vậy, đâu là giải pháp được tỉnh thực hiện để hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra?

Ông Lê Quang Trung: Phải nói rằng ngộ độc thực phẩm không bao giờ hết được. Tuy nhiên, để hạn chế hết mức ngộ độc thực phẩm không xảy ra thì cần sự phối hợp nhịp nhàng liên ngành, trong đó chủ lực là y tế, công thương, nông nghiệp.

Trong thời gian tới, chắc chắn phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể tiếp tục xảy ra.

Hiện các loại văn bản chỉ đạo về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gần như không thiếu cái nào. Thế nhưng để phát huy hiệu quả có lẽ chúng ta phải thay đổi cách làm. Trước tiên, về chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải quyết liệt hơn trong hệ thống chính trị, từ cấp xã, huyện, tỉnh.

Chúng ta phải thay đổi công tác tuyên truyền để những người tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm biết rõ được cần làm gì. Đơn cử, như vụ tiệm bánh mì bà B. ở thành phố Long Khánh, chủ cơ sở nói rằng không biết phải đi đăng ký giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ.

Do vậy, trách nhiệm của cấp chính quyền là làm sao cho họ biết, như mời lên tuyên truyền, phát tờ rơi và đi tới tận cơ sở. Qua đó, khẳng định được rằng các chủ cơ sở đã biết những chuyện như vậy và đương nhiên phải có trách nhiệm thực hiện.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai: Cần sự phối hợp liên ngành để hạn chế ngộ độc thực phẩm ảnh 2

Khoảng 100 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn chiều.

Phóng viên: Với số lượng bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thức phẩm, cơ sở thức ăn đường phố rất lớn nên việc kiểm tra, giám sát tất cả của lực lượng chức năng gần như không thể làm được. Vậy, ông có thể cho biết giải pháp nào?

Ông Lê Quang Trung: Chúng ta cũng cần thẳng thắn đánh giá hệ thống chính quyền trong thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trách nhiệm quản lý Nhà nước phải biết trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở và những cơ sở nào có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm thì cử lực lượng liên quan giám sát.

Đương nhiên với nguồn lực có hạn từ 5-7 người trong đơn vị quản lý cấp huyện và chưa tới 20 người của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh thì không thể đi kiểm tra, giám sát được tất cả các cơ sở. Do vậy, chọn cơ sở trọng điểm, nguy cơ có thể xảy ra ngộ độc, còn nếu kêu gọi chung chung, gửi văn bản đến, gửi văn bản đi thì chắc không đạt hiệu quả cao.

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.