Từ các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”…
Thấm nhuần và thực hiện tốt lời Bác dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hậu Giang rất coi trọng công tác dân vận, xem đây là nhiệm vụ chính trị trên mọi lĩnh vực, cũng như trong triển khai các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh để thực hiện Nghị quyết “Tam nông”.
Thông qua việc phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao vai trò, vị thế của giai cấp nông dân.
Đơn cử như mô hình ấp 5 không: “Không hộ nghèo - Không vi phạm Luật giao thông - Không rác thải - Không ma túy - Không bạo lực người già và trẻ em” ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của bà con địa phương cùng tham gia thực hiện.
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của ấp ngày càng sạch đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân đoàn kết, nghĩa tình, chung tay xây dựng đạt tiêu chí ấp “5 không”.
Từ hiệu quả của mô hình này đã được nhân rộng ở ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo; bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông; xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quyền của người già và trẻ em trên địa bàn ấp.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Bí thư Chi bộ ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình, sau khi được tuyên truyền, vận động, các hộ có hoàn cảnh khó khăn đều nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Mặt khác, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo trong ấp đều tận dụng để thực hiện tốt các mô hình làm ăn hiệu quả.
Để có những mô hình, điển hình giúp phong trào thi đua “Dân vận kéo” lan tỏa rộng khắp, thì phải kể đến những cán bộ dân vận tận tâm, nhiệt quyết. Điển hình như cán bộ tuyên giáo-dân vận thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, ông Lê Thanh Dũng – người đã có gần 15 năm làm công tác dân vận.
Nhờ uy tín, khéo vận động nên các phong trào ở địa phương khi triển khai đều được người dân đồng tình hưởng ứng. Nổi bật như mô hình “Chia sẻ yêu thương” với thông điệp “thừa cho thiếu nhận, cũ người mới ta”; mô hình “Xây dựng tuyến đường đẹp”…
Chính nhờ những người tâm huyết như ông Dũng đã góp phần cho Vĩnh Viễn được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015 và được nâng lên thành thị trấn vào năm 2019.
Ông Lê Thanh Dũng (bên trái), cán bộ tuyên giáo-dân vận thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, vận động người dân xây dựng cảnh quan sạch đẹp. |
Dẫn chúng tôi tham quan tuyến đường đẹp ở ấp 2 dài khoảng 3km, rất ấn tượng với hàng rào cây xanh và nhiều loại hoa kiểng được người dân trồng thẳng tắp, đẹp mắt. Ông Dũng cho biết, để tuyến đường ở ấp 2 đẹp như hiện nay thì ông cùng cán bộ Mặt trận, đoàn thể thị trấn và chi bộ ấp ra sức tuyên truyền, vận động người dân nâng dần ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp, gắn nhiều bóng đèn chiếu sáng.
“Để công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả, đòi hỏi cán bộ dân vận cần sát thực tế địa bàn, nắm bắt phản ánh, tình hình tư tưởng, dư luận, cuộc sống người dân; phải tôn trọng và xem người dân như người thân của mình, xem nỗi khổ của người dân như nỗi khổ của mình, không xem thường và nhất là không quan liêu, hách dịch, cửa quyền với dân, biết dựa vào dân, biết tranh thủ tình cảm của người dân để từ đó vận động người dân được tốt hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, thông qua phong trào thi đua đã có hàng nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có 824 mô hình, điển hình, trong đó có 594 tập thể, 230 cá nhân đăng ký thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, được công nhận 571 mô hình,… Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đến kết quả tích cực
Chính nhờ yếu tố, điều kiện tiên quyết khởi đầu từ công tác dân vận một cách chủ động, đã góp phần rất lớn trong thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Tam nông”, giúp cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh dần hội nhập, nông dân có tư duy mới, nông thôn có nhiều khởi sắc hơn.
Đến nay, Hậu Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Ngã Bảy đạt năm 2015; thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A đạt năm 2019); toàn tỉnh có 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Hậu Giang là 54,43 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,46%, bình quân hằng năm giảm từ 1 đến 2%; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, khí thế sản xuất sôi động trên từng cánh đồng, mảnh vườn và diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
Từ khi thực hiện Nghị quyết “Tam nông” đến nay, Hậu Giang ghi nhận gần 35 nghìn mô hình sản xuất có hiệu quả; 14 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại tổng hợp, 3 trang trại thủy sản; 230 hợp tác xã; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, trên địa bàn hiện có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm với nông dân.
Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, Global GAP, mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây ăn trái, rau màu đang được nhân rộng…
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 105 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó: 48 sản phẩm 4 sao; 57 sản phẩm 3 sao; 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao) với 49 chủ thể đăng ký tham gia.
Số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, thu nhập bình quân ngày càng cao, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện…
Một tuyến đường nông thôn mới ở thị xã Long Mỹ. |
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, Phạm Thị Thùy Dung, cho biết: Tỉnh ủy cũng đã có chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị với phương châm “Gần dân, sát dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”.
Phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong các công việc của địa phương. Trong đó, tiếp tục chú trọng vai trò “chủ thể” của nông dân trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Vận động mạnh mẽ trong xây dựng hình mẫu người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với 5 đặc trưng: Có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết “Tam nông” càng góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang suốt 92 năm qua trong công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2022). Đây cũng chính là nền tảng để tỉnh Hậu Giang ngày càng vươn lên mạnh mẽ.