Đã thành thông lệ, năm nào chợ hoa Xuân phố cổ cũng được quận Hoàn Kiếm tổ chức tại khu vực các phố: Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và phố bích họa Phùng Hưng. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Hoàn Kiếm không tổ chức lễ khai mạc, đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Quận tổ chức lực lượng ứng trực tại các cổng ra, vào khu vực chợ để đo thân nhiệt, yêu cầu người ra, vào phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, quận cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Tổ kiểm tra liên ngành của quận thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động kinh doanh tại chợ hoa nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai tốt, không có trường hợp kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm..., kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chợ hoa Xuân Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội) không chỉ là chợ đầu mối về hoa, cây cảnh của cả thành phố mà còn là điểm đến yêu thích, quen thuộc của mỗi người dân Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Với diện tích hơn 7.000m2, chợ hoa có 15 công ty và hơn 80 hộ kinh doanh thường xuyên, chưa kể những người bán hàng rong… ở chung quanh chợ.
Trưởng Ban Quản lý chợ Tây Hồ Nguyễn Hưng Quốc cho biết, ngay từ khi có thông tin về ca Covid-29 đầu tiên ở Hải Dương và Quảng Ninh, chính quyền quận và Ban Quản lý chợ đã triển khai ngay các giải pháp phòng, chống dịch tại chợ. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện các chỉ thị của Chính phủ và thành phố, yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm. Đồng thời, thường xuyên phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người vào chợ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi giao tiếp, chỉ cho phép những người đeo khẩu trang vào trong chợ mua bán. Hiện 100% người bán hàng đều đeo khẩu trang, nhiều hộ kinh doanh bố trí nước rửa tay, bình xịt khuẩn cho khách. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-29, lượng hoa về chợ kinh doanh trong đợt Tết chỉ đạt khoảng 70%, lượng khách đến chợ bằng khoảng 30% so với năm trước. Thay vì đến tận chợ hoa để mua sắm, nhiều người chọn cách mua trực tuyến, gọi điện đặt hàng và được các chủ hàng giao đến tận nơi, tránh tiếp xúc trực tiếp, cũng như tập trung đông người.
Anh Trần Thế Kiên, chủ cửa hàng hoa, cây cảnh tại chợ hoa Xuân trên phố Cổ Linh (quận Long Biên) cho biết: “Do ảnh hưởng của Covid-19, lượng khách hàng giảm hẳn, không khí tại chợ hoa không được tưng bừng, sôi động như các năm trước. Để an toàn phòng dịch, tôi thường xuyên nhắc nhở tất cả nhân viên luôn phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và khi trao đổi thông tin với khách hàng phải giữ khoảng cách chút, không đứng quá gần”.
Năm nay, trên địa bàn Hà Nội có 89 điểm chợ hoa Xuân trưng bày, bán các loại cây cảnh, hoa, quả; một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Thời gian hoạt động của các điểm chợ từ ngày 22-1 (ngày mùng 10 tháng Chạp) đến 20 giờ ngày 11-2-2021 (tức ngày 30 Tết). Bên cạnh các điểm được cấp phép, quản lý, hiện vẫn còn một số điểm kinh doanh hoa, cây cảnh… tự phát, không được cấp phép như: Khu vực vỉa hè gần cầu Cong (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), khu vực hành lang đường Quốc lộ 6… Nhiều người dân khi mua sắm còn chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.
Ngày 29-1, Sở Công thương Hà Nội đã thành lập Đoàn Kiểm tra công tác tổ chức chợ hoa Xuân phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc kiểm tra việc bố trí, sắp xếp và tổ chức quản lý hoạt động của các chợ hoa, các đoàn kiểm tra đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ. Chiều 2-2, đoàn khảo sát của các Ban HĐND TP Hà Nội đã đi khảo sát một số chợ hoa tại quận Thanh Xuân và quận Hà Đông.
Qua kiểm tra, đoàn khảo sát đề nghị chính quyền địa phương cũng như các chủ hàng tổ chức thực hiện chợ hoa phải bảo đảm đúng quy định được cấp phép và kế hoạch của thành phố, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch, thường xuyên tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng dịch bệnh. Cùng với đó, phải chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu mua sắm, thăm quan của người dân.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các chợ hoa Xuân không chỉ là nơi kinh doanh, mua bán mà còn là nét văn hóa tinh thần đậm không khí Tết. Do đó, vấn đề an toàn phòng dịch càng cần được coi trọng, chú ý. Hà Nội phòng, chống dịch không chỉ riêng cho thành phố mà còn giúp cho các tỉnh, thành phố khác ổn định sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm, hàng hóa về tiêu thụ thuận lợi tại Hà Nội.