Hội nghị nhằm góp phần cải thiện chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống kháng thuốc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đề xuất các giải pháp sáng tạo trong công tác quản lý kháng sinh và phòng, chống kháng thuốc.
Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều quyết sách rất rõ ràng đối với công tác phòng, chống kháng kháng sinh (kháng thuốc), điển hình là Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế cùng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Trước đó, các ngành đã phối hợp xây dựng, triển khai các kế hoạch phòng, chống kháng thuốc, trong đó có Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Long, trong thời gian vừa qua, việc quản lý sử dụng kháng sinh và triển khai các giải pháp phòng, chống kháng thuốc đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, các bên cũng cần phối hợp tiếp tục triển khai các mục tiêu của Chiến lược đặt ra.
Theo đánh giá, mặc dù chiến lược phòng, chống kháng thuốc đã được ban hành, đã có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, công tác phòng, chống kháng thuốc ở Việt Nam mới bắt đầu và còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn và từng bước hoàn chỉnh kế hoạch để phối hợp thực hiện từ khâu quản lý sản xuất, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trong nuôi trồng thủy sản, chế biến và các khâu, các bước sản xuất nông nghiệp.
Nhiều năm qua, các hoạt động thông tin tuyên truyền được triển khai rộng rãi, nhưng nhận thức của hệ thống chính trị và cộng đồng về vấn đề phòng, chống kháng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, có hiệu quả còn đặt ra nhiều câu hỏi lớn cần giải quyết cho thời gian tới. Như vậy, ông Long cho rằng vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức cần được thúc đẩy.
"Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề con người từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, xây dựng năng lực của hệ thống từ trang thiết bị đến con người, hệ thống giám sát, cảnh báo là thật sự cần thiết. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở sử dụng thuốc và phòng, chống kháng thuốc mà còn liên quan đến chuỗi sản xuất nông nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…", ông Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thú y cũng nhấn mạnh cần thiết của phối hợp đa ngành và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong triển khai Chiến lược về phòng, chống kháng thuốc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe đối với sự phát triển của nhân loại, đòi hỏi phải có hành động đa ngành, khẩn cấp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố, kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là tác nhân dẫn đến sự phát triển của chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Ông Khoa nhấn mạnh thêm, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa đã xuất hiện tình trạng trẻ em nhiễm các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, trước hết là ngành nông nghiệp, môi trường và các cơ sở y tế, để ngăn chặn và hạn chế sự lan rộng của vi khuẩn kháng thuốc.
Việt Nam đang học tập kinh nghiệm từ các quốc gia và tổ chức quốc tế để thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về kháng thuốc và sử dụng kháng sinh, nhất là dữ liệu trong y tế và dịch tễ học. Việc thu thập dữ liệu về mức độ sử dụng kháng sinh sẽ giúp các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và đề xuất các giải pháp can thiệp hữu hiệu, hướng tới kiểm soát tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam một cách bền vững.