Ngăn chặn tình trạng kháng thuốc

Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc (từ ngày 18 đến 24/11) với chủ đề “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương cùng các đối tác quốc tế triển khai nhiều hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các bộ và đối tác phát triển ký thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc.
Đại diện các bộ và đối tác phát triển ký thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc.

Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không điều trị được. Nhận thức về những tác hại của kháng thuốc, những năm qua, các bộ, ngành liên quan đã cam kết và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này.

Việt Nam là một trong sáu nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc từ năm 2013 và đã đạt được nhiều kết quả, phù hợp kế hoạch hành động toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về kháng thuốc.

Đến nay, hệ thống giám sát kháng thuốc được thiết lập, duy trì với sự tham gia của 58 bệnh viện và tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc toàn cầu; thiết lập và duy trì ba phòng xét nghiệm tham chiếu về giám sát kháng thuốc; theo dõi quản lý sử dụng kháng sinh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã thực hiện ba vòng giám sát kháng kháng sinh chủ động trên gà và lợn tại 15 tỉnh, thành phố; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thuốc thú y.

Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn còn cao. Hậu quả trực tiếp của kháng thuốc trên người bệnh là hạn chế số lượng phương pháp và thuốc điều trị, kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện, chi phí khám, chữa bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Kháng thuốc được Tổ chức Y tế thế giới công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm năm 2021 mà thế giới phải quan tâm.

Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Kháng thuốc đang đe dọa những thành quả mà thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực chống lao, sốt rét, HIV... Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm.

Trong thực phẩm và nông nghiệp, kháng thuốc gây ra rủi ro cho hệ thống lương thực, sinh kế và nền kinh tế. Bên cạnh tác động tiêu cực trực tiếp đến động vật, dịch bệnh ở động vật cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lương thực, an ninh lương thực và sinh kế của người nông dân. Hơn nữa, kháng thuốc có thể lây lan giữa các vật chủ và môi trường khác nhau, đồng thời các vi sinh vật kháng thuốc có thể làm ô nhiễm chuỗi thức ăn.

Điều này làm cho kháng thuốc trở thành một vấn đề vượt qua ranh giới ngành. Thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, vệ sinh, tiêm phòng và các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khác là rất cần thiết để giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật. Việc thực hành nông nghiệp tốt và quản lý vi sinh vật gây hại và cung cấp một cách tiếp cận toàn hệ thống để giữ cho cây trồng khỏe mạnh và chỉ sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc chống vi sinh vật như là lựa chọn cuối cùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Nhiều thách thức vẫn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ: Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; các nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.

Để đạt được mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng tình trạng kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành và các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng như mọi người dân. Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc (từ ngày 18 đến 24/11) là một chiến dịch toàn cầu được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc, đồng thời khuyến khích các thực hành tốt trong cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan theo tiếp cận Một Sức khỏe - những người đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự xuất hiện và lan rộng của kháng thuốc.

Ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật và thực vật.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn; luôn tuân thủ lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác.