Tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác vận động hiến máu tình nguyện

NDO - Năm 2024, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 1.747.920 đơn vị máu. Trong đó, hơn 98% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,7% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt hơn 63%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt khoảng 68%.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 11/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Năm 2024, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 1.747.920 đơn vị máu. Trong đó, hơn 98% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,7% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt hơn 63%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt khoảng 68%.

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới kịp thời và nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Các hình thức truyền thông về hiến máu tình nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phong phú và đa dạng, góp phần thu hút nhiều người tham gia hiến máu. Các chiến dịch truyền thông được đăng tải rộng rãi trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh và mạng xã hội, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích mọi người tham gia, lan tỏa thông điệp ý nghĩa của hành động nhân ái này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện từng bước được quan tâm, triển khai. Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 7.448 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với hơn 1,8 triệu lượt người tham gia; đã có 13.574 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ được đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo.

Tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác vận động hiến máu tình nguyện ảnh 1

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa chủ trì Hội nghị.

Các lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện tiếp tục được mở rộng, đó là: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, các tăng, ni, phật tử, chức sắc tôn giáo ... Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức đồng loạt, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như: chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, “Lễ hội Xuân hồng”; chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và “Hành trình Đỏ”; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện - 7/4, Ngày Quốc tế Người hiến máu - 14/6...

Toàn quốc đã có 48.532 cá nhân, gia đình và tập thể thuộc 63 tỉnh, thành phố, các đơn vị và Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện được tôn vinh, khen thưởng về thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện. Ban Chỉ đạo quốc gia đã chủ trì phối hợp tổ chức thành công các hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Năm 2025, toàn quốc phấn đấu, tiếp nhận khoảng 1,85 triệu đơn vị máu; Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,9%.

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác hiến máu tình nguyện và đạt được các mục tiêu trong thời gian tới, các cơ chế, chính sách về hiến máu tình nguyện cần được cải tiến.

Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần tăng cường công tác truyền thông kết hợp với vận động và tổ chức các đợt hiến máu, bảo đảm đủ nguồn máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại các địa phương. Đồng thời, phối hợp ngành y tế để xây dựng kế hoạch tiếp nhận máu phù hợp với nhu cầu sử dụng, bảo đảm cung cấp máu đầy đủ cho việc điều trị tại chỗ, cũng như hỗ trợ và điều phối máu trong toàn quốc.