Đồng chí Trương Thị Mai và đoàn công tác đã đến thăm mô hình sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Hữu Trí (Xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt). Đây là một trong những mô hình sản xuất hoa công nghệ cao quy mô khá lớn và điển hình tại địa phương, với diện tích canh tác hơn 6 ha, sản lượng bình quân hằng năm khoảng năm triệu cành hoa, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 40 lao động.
Cũng tại xã Xuân Thọ, đồng chí Trưởng Ban Dân vận T.Ư đã đến thăm trang trại sản xuất hoa cao cấp của Công ty Dalat Hasfarm. Hiện công ty có bốn trang trại, tổng diện tích gần 320 ha, trong đó có hơn 180 ha nhà kính, sản lượng bình quân hàng năm hơn 200 triệu cành hoa, sáu triệu chậu hoa cung ứng thị trường; trong đó, xuất khẩu khoảng 50%; bảo đảm việc làm cho hơn bốn nghìn lao động. Hiện, công ty đang liên kết sản xuất với 200 nông hộ tại Đà Lạt - Lâm Đồng, doanh số chuỗi liên kết này đạt hơn 90 tỷ đồng mỗi năm.
Tại những nơi đến thăm, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao hiệu quả các mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại của nhà nông và doanh nghiệp; đặc biệt là mô hình chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đổi mới mối quan hệ sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp Đà Lạt - Lâm Đồng.
Đồng chí nhấn mạnh, địa phương cần tăng cường hơn nữa các chương trình, giải pháp để hỗ trợ nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất khép kín, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng đạt hơn 60,2 nghìn ha, chiếm 20% diện tích đất canh tác, đạt hơn 40% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt hơn 6,7 nghìn ha, chiếm 64% diện tích nông nghiệp, giá trị thu hoạch bình quân hơn 400 triệu đồng/ha/năm; hình thành 27 chuỗi giá trị liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, nông sản tiêu thụ qua chuỗi liên kết hơn 42%.
Về phong trào “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, qua 10 năm triển khai, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, nhân rộng hơn 8.600 mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực.
* Sáng cùng ngày, đồng chí Trương Thị Mai và các đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Xuân Thọ, Xuân Trường và phường 11, TP Đà Lạt, trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, thông báo với cử tri những nội dung chủ yếu kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội chín tháng của cả nước và tỉnh Lâm Đồng.
Cử tri TP Đà Lạt đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu quốc hội địa phương thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác cải cách giáo dục; các vấn đề về bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước sạch và hạ tầng giao thông nông thôn; chính sách người có công với cách mạng; giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cử tri đề nghị, cần nâng cao hoạt động giám sát của đại biểu quốc hội về xử lý, giải quyết một số vụ việc khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai, quy hoạch nhà ở, đất sản xuất trên địa bàn thành phố.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến đóng góp và giải trình những vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí giải thích, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách với người có công; công tác cải cách giáo dục; vấn đề xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường thời gian qua. Những ý kiến của cử tri, Đoàn ghi nhận để tiếp tục kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết.