Tăng cường liên kết phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Diễn đàn Mekong Connect 2022 sẽ tạo động lực đưa kinh tế-xã hội của các địa phương và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19 theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại khai mạc diễn đàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại khai mạc diễn đàn.

Ngày 24/11, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự Diễn đàn Mekong Connect 2022. Đây là diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, ra đời từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng của 4 tỉnh: An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp và sau có thêm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay, diễn đàn do thành phố Cần Thơ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại khai mạc diễn đàn, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn ở 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là, nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ của vùng còn thấp. Vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu ảnh hướng đến sản xuất, đời sống người dân.

Tăng cường liên kết phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày tại diễn đàn.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, thông qua diễn đàn này, các địa phương trong vùng tăng cường liên kết, góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng. Diễn đàn cần tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng của đất nước...

Với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, Diễn đàn năm nay là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp; Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu; Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Đây cũng là dịp để các địa phương, doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hội thảo về chuyển đổi số trong nông nghiệp; nguồn nhân lực khoa học, công nghệ cho phát triển của vùng; phát triển kinh tế biên mậu; phiên chợ khởi nghiệp xanh…