"Nước rút" giải ngân đầu tư công ở Lào Cai

Tính đến hết tháng 8/2023, Lào Cai đã giải ngân được hơn 3.083/5.341 tỷ đồng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57%, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía bắc. Từ nay đến cuối năm, Lào Cai tập trung "nước rút", bằng nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân gần 2.300 tỷ đồng (khoảng 800 tỷ đồng/tháng), bảo đảm hoàn thành giải ngân đầu tư công ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Trường mầm non Bình Minh, huyện Bảo Thắng được đưa vào sử dụng trước thời hạn hợp đồng xây dựng gần hai tháng, kịp phục vụ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Trường mầm non Bình Minh, huyện Bảo Thắng được đưa vào sử dụng trước thời hạn hợp đồng xây dựng gần hai tháng, kịp phục vụ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Lào Cai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đạt được kết quả khá tích cực, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tám tháng bằng 57% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 36%.

Lập tiến độ thi công theo tuần

Chúng tôi đến hiện trường thi công đường Vạn Hòa-Yên Bái nối đường Làng Giàng-Quốc lộ 70 chứng kiến cán bộ, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoàng Nguyên và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thảo Nguyên miệt mài thảm nhựa mặt đường. Giữa trưa nắng gắt, chỉ huy công trường và cán bộ tư vấn giám sát cùng kiểm tra từng lớp bê-tông nhựa trải mặt đường theo quy chuẩn thiết kế, bảo đảm kỹ thuật và chất lượng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Thắng Ðỗ Giang Nam cho biết, tuyến đường có chiều dài 4,2 km, tổng vốn đầu tư 97 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2021, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10/2023.

Ðể bảo đảm mốc thời gian đưa tuyến đường vào sử dụng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Thắng phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Thái Niên vận động 50 hộ dân bàn giao mặt bằng đúng thời gian cam kết; chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, chi tiết theo từng tháng, từng tuần; trên cơ sở đó cử cán bộ liên tục bám hiện trường để đôn đốc tiến độ, giám sát chất lượng công trình. Hiện tại, đơn vị thi công hoàn thành hơn 90% khối lượng công trình, đang tập trung máy móc và nhân công làm việc liên tục theo ca, kíp, bảo đảm hoàn thành tuyến đường, thông xe theo đúng tiến độ đề ra.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng, Ngô Minh Quế, năm 2023 huyện được giao giải ngân 370 tỷ đồng ngân sách, tập trung cho 80 dự án. Nhờ điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư và nhà thầu, đến nay huyện đã giải ngân được 157 tỷ đồng, đạt 42%. Hàng chục công trình trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư, như: Trường mầm non Bình Minh thị trấn Phố Lu, Nhà thi đấu đa năng Bảo Thắng, cầu thị trấn Tằng Loỏng, đường liên xã Sơn Hà-Phú Nhuận,…

Ở huyện Bảo Yên, đến cuối tháng 8/2023, đã giải ngân được 334/516 tỷ đồng, đạt 65%, là địa phương có kết quả giải ngân đầu tư công cao nhất tỉnh Lào Cai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên, Trần Trọng Thông cho biết: Với 222 dự án, nhiều công trình nằm ở địa bàn vùng núi cao, vùng sâu, giao thông khó khăn, mưa nhiều, khan hiếm cát sỏi, giá vật liệu xây dựng tăng cao, huyện đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng, biến động giá cát sỏi... Bên cạnh đó, áp dụng phương thức khối lượng xây dựng đến đâu, nghiệm thu và thanh toán kịp thời đến đó, nhờ vậy nhiều công trình hoàn thành trước tiến độ hợp đồng từ ba đến sáu tháng, như Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Bảo Hà, Trường tiểu học Nghĩa Ðô, Trường tiểu học và trung học cơ sở Phúc Khánh,…

"Nước rút" giải ngân cuối năm

Mặc dù thuộc tốp các địa phương giải ngân cao cả nước nhưng tỉnh Lào Cai còn gần 2.300 tỷ đồng phải giải ngân trước ngày 30/12 năm nay, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, với từng địa phương, từng dự án. Hiện tại, huyện vùng cao Si Ma Cai đạt 33%, thành phố Lào Cai mới đạt khoảng 23%..., thấp nhất toàn tỉnh.

Theo ông Vũ Quốc Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Lào Cai, từ nay đến hết năm thành phố phải giải ngân khoảng 209 tỷ đồng, đây là áp lực rất lớn. Nguyên nhân giải ngân đạt thấp là do tỉnh mới bổ sung thêm 165 tỷ đồng cho ba dự án lớn, thời gian ngắn, hiện đang giải phóng mặt bằng, phê duyệt kinh phí, ký hợp đồng để giải ngân trong tháng 10 tới.

Còn ở huyện Si Ma Cai, việc giải ngân gặp khó khăn nhất ở nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và vốn phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Nguyên nhân là do hướng dẫn không rõ ràng, trình tự thủ tục phức tạp, không phù hợp với thực tế địa phương, khiến các chủ đầu tư ngần ngại trong giải ngân. Ông Ðỗ Ðình Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Si Ma Cai cho biết, vướng mắc trong việc giải ngân các nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương chủ yếu liên quan đến các thủ tục hướng dẫn của Trung ương còn chậm, không cụ thể, rõ ràng. Ðây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì nếu trong năm 2023 không thực hiện giải ngân hết thì tỉnh phải nộp trả ngân sách Trung ương chứ không được phép chuyển nguồn như năm 2022.

Hiện tại, Lào Cai phải đối mặt với không ít khó khăn khi một số dự án còn một lượng vốn lớn chưa giải ngân như: Dự án xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối còn 121 tỷ đồng, Dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa còn 100 tỷ đồng, Dự án đường kết nối Tỉnh lộ 151 (Võ Lao, Văn Bàn) với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai còn 34 tỷ đồng chưa giải ngân, đặc biệt, nguồn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh còn 226 tỷ đồng chưa giải ngân...

Trong các tháng còn lại của năm 2023, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công còn rất nặng nề, trung bình phải giải ngân khoảng 800 tỷ đồng/tháng, bao gồm cả nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Trịnh Xuân Trường vừa ban hành Chỉ thị khẩn số 12/CT-UBND yêu cầu các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.

Theo đó, giám đốc các sở; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân tỉnh, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương. Riêng đối với nguồn vốn kéo dài, các đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành giải ngân trước ngày 30/10. Các sở, ngành, địa phương đến hết tháng 8/2023 có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dưới mức trung bình của tỉnh, phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghiêm túc kiểm điểm đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ðồng chí Trịnh Xuân Trường cho biết, tỉnh sẽ có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế ngay những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Hằng tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt; đồng thời phê bình các đơn vị làm chưa tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đó làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu đơn vị, địa phương trong năm 2023.