Thống nhất chỉ đạo, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

NDO - Theo báo cáo, tổng số giải ngân vốn đầu tư công của 17 bộ, cơ quan Trung ương đến hết ngày 31/8 là 19.353,551 tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức trung bình cả nước (42,35%).
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp.

Ngày 18/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với các bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 (thành lập theo Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, sau cuộc họp lần trước của Tổ công tác diễn ra vào tháng 4, đến thời điểm này đã có nhiều bước chuyển tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Nội bộ các đơn vị đã có sự xoay chuyển hợp lý để có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2023.

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn vấp phải những vướng mắc cũ liên quan quy hoạch, đất đai hay môi trường, hoặc đối với từng đơn vị lại có những vướng mắc đặc thù liên quan mua sắm thiết bị hay lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi nhiều thủ tục, điều kiện kỹ thuật riêng.

Do đó, trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ, Tổ công tác số 3 cũng sẽ liên tục điều chỉnh những quy định cho phù hợp tình hình thực tế, thống nhất sự chỉ đạo để giúp công việc của các đơn vị thuận lợi hơn, nhất là trong sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Về mặt kỹ thuật, các đơn vị cần lập kế hoạch chi tiết sơ đồ Găng (Gantt) từ đây đến cuối năm để dễ theo dõi quá trình giải ngân vì việc gì nếu giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu và có kế hoạch chi tiết cũng đều mang lại hiệu quả cao.

"Trong quá trình phân bổ vốn cho năm sau, đơn vị nào năm trước giải ngân kém cần cắt bớt vốn phân bổ, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ cả điều kiện khách quan, những câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công nếu làm rạch ròi, thưởng phạt phân minh, chắc chắn sẽ “chạy” hơn. Các đơn vị cũng cần lựa chọn ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn có năng lực để triển khai hiệu quả các dự án cũng như tránh sai sót xảy ra", Phó Thủ tướng đề nghị.

Khi kiến nghị vốn cho kế hoạch, dự án sắp tới, các đơn vị cần xem xét điều kiện, khả năng giải ngân, trước đây đơn vị nào cũng có tâm lý chung cứ đề xuất nhiều, dư ra rồi trình các bộ cắt bớt là vừa, cho nên xảy ra trường hợp đã biết trước điều kiện triển khai dự án khó khăn nhưng vẫn đề nghị, phát sinh hệ lụy dự án bị đình trệ, chậm giải ngân.

"Đặc biệt, các đơn vị cần lưu ý nguyên tắc trả lại vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước phải tốt hơn cho mục tiêu chung hoặc hiệu quả hơn đối với đơn vị, không chỉ nhằm tăng tỷ lệ giải ngân lấy thành tích. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt việc này, nếu đơn vị nào đề xuất trả lại vốn chỉ để đạt chỉ tiêu sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu gặp vướng mắc, các đơn vị cần lập tức có ý kiến với Bộ Kế hoạch và đầu tư giữ vai trò đầu mối để trình lãnh đạo Chính phủ giải quyết, kịp thời hỗ trợ các đơn vị trong việc giải ngân từ nay đến cuối năm", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.

Các đơn vị cần lưu ý nguyên tắc trả lại vốn đầu tư từ ngân sách để tốt hơn cho mục tiêu chung, không chỉ nhằm tăng tỷ lệ giải ngân để lấy thành tích. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt việc này, nếu đơn vị nào đề xuất trả lại vốn chỉ để đạt chỉ tiêu sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 3 là 43.861,647 tỷ đồng. Trong đó, đã phân bổ vốn chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt 99,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn 400 tỷ đồng (chiếm 0,1%) còn lại chưa giao kế hoạch của Bộ Nội vụ dự kiến sẽ phân bổ hết trong tháng 9, sau khi có Quyết định phê duyệt dự án.

Theo báo cáo cập nhật, tổng số giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương đến hết ngày 31/8 đạt 19.353,551 tỷ đồng (44,12% kế hoạch), cao hơn so mức trung bình cả nước (42,35%). Có 4 bộ, cơ quan trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước, gồm: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 58,49%; Bộ Quốc phòng 50%; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 48,2%; Hội Nông dân Việt Nam 48,16%.

13 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 11 đơn vị giải ngân dưới 25%: Văn phòng Trung ương Đảng 0,04%; Tòa án nhân dân Tối cao 23,25%; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 11,28%; Bộ Ngoại giao 6,69%; Bộ Tư pháp 23,07%; Bộ Nội vụ 7,95%; Đài Truyền hình Việt Nam 22,57%; Thông tấn xã Việt Nam 9,76%; Đài Tiếng nói Việt Nam 9,7%.

Riêng 2 đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc có tỷ lệ giải ngân 0% do đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, còn vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị và thủ tục nhập Tabmis. Có 4 đơn vị đề nghị điều chỉnh giảm vốn là Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Bộ Nội vụ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổng vốn 477,418 tỷ đồng.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, giải ngân vốn đầu tư công còn có những khó khăn, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục ngay để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của ngành, quy mô dự án và số vốn nhỏ, đầu tư rải rác trên địa bàn nhiều địa phương nên gặp vướng mắc trong việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, trong đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường.

Một số cơ quan như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có đặc thù các dự án mua sắm thiết bị và phần mềm phục vụ sản xuất và phát sóng, hầu hết các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài nên việc giải ngân tập trung vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, các bộ, cơ quan Trung ương đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao.