Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ

NDO - Việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh là cần thiết, phù hợp nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đó, nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế tổ chức “Hội thảo chuyên gia đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh là cần thiết, phù hợp nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Qua đó, nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung. Điều này cũng phù hợp cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, việc xóa bỏ ung thư cổ tử cung sẽ góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 1 về nghèo đói đa chiều, Mục tiêu 3 về cuộc sống khỏe mạnh, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới và Mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng.

Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh cho biết, xác định được tầm quan trọng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực phối hợp Bộ Y tế trong công tác vận động đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Năm 2021, Hội đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi nhằm đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được Bảo hiểm y tế chi trả.
Nghiên cứu đã cho thấy khả năng Việt Nam loại bỏ ung thư cổ tử cung vào năm 2044 nếu như áp dụng ngay cả 3 mục tiêu can thiệp của WHO từ nay đến năm 2030.

Phương pháp xét nghiệm VIA/VILI cho thấy tính khả thi để đưa ngay vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả do chi phí thấp so với chi phí điều trị và không đòi hỏi đầu tư lớn về trang thiết bị và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế áp dụng cho cả 3 hình thức xét nghiệm VIA/VILI, xét nghiệm tế bào và xét nghiệm HPV với các ưu tiên cho nhóm phụ nữ yếu thế.

Hiện nay, ung thư cổ tử cung là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.

Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vaccine HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ Việt Nam còn thấp.

Theo Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc (tỷ lệ rất thấp).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung thấp là do vaccine HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được Bảo hiểm y tế chi trả.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về sự cần thiết của khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và hiệu quả/tác động khi Bảo hiểm y tế chi trả khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đồng thời, gợi ý một số hoạt động cần thiết để vận động cho chính sách, từ góc độ các nhà hoạch định và thực hành chính sách, cũng như người thụ hưởng của chính sách.