Tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc tại Việt Nam về an sinh xã hội

NDO - Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hợp tác cùng các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực về xã hội và an sinh xã hội. Quá trình hợp tác đã triển khai một cách hiệu quả, bởi đây là lĩnh vực luôn được Chính phủ quan tâm, chăm lo.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis (Ảnh: Molisa).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis (Ảnh: Molisa).

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có buổi tiếp và làm việc với bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất vui được đón tiếp bà Pauline Tamesis, tân Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ông tin tưởng, với kinh nghiệm của mình, bà sẽ có một nhiệm kỳ rất thành công tại nước ta, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc.

Tại buổi tiếp và làm việc, bà Pauline Tamesis bày tỏ vinh dự được đảm nhiệm cương vị Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Bà Pauline Tamesis cho biết, mối quan hệ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Liên hợp quốc đã có truyền thống từ lâu. Trong suốt quá trình hợp tác, cơ quan này luôn hỗ trợ Liên hợp quốc trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: già hóa dân số, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới, bạo lực trẻ em. Đặc biệt, sự hợp tác trong các chương trình mục tiêu về xóa đói-giảm nghèo đã đạt được những thành tựu to lớn.

Chia sẻ tại buổi tiếp, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo trợ xã hội, đặc biệt là những bài học rút ra sau đại dịch Covid-19. Đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhóm dân cư khó tiếp cận. Vai trò của bảo trợ xã hội là rất quan trọng trong việc giúp các nhóm dân cư này có thể thoát khỏi hậu quả của dịch bệnh.

Để ưu tiên cho bảo trợ xã hội cũng như phát triển thị trường lao động-việc làm có năng suất cao, góp phần phục hồi sau đại dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, bà Pauline Tamesis khuyến nghị 5 điểm sau.

Một là, xây dựng và tiếp tục đẩy mạnh các chính sách, cơ chế đầu tư để khuyến khích và cải thiện môi trường làm việc có năng suất cao.

Hai là, tiếp tục cải thiện chất lượng và sự cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tiêu chí: chất lượng cao và có thể tiếp cận được với tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là các nhóm dân cư bị thiệt thòi và khó tiếp cận. Đây chính là nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau trong chương trình hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam.

Ba là, mở rộng các hoạt động bảo trợ xã hội để vừa đáp ứng được tức thời trước khủng hoảng, vừa phát triển bền vững và mở rộng về quy mô.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số vào cung cấp các dịch vụ bảo trợ xã hội để có thể cung cấp thông tin kiến thức. Đồng thời, nâng cao tính hiệu quả, minh bạch trong tất cả các nội dung hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Liên hợp quốc.

Năm là, cần thống nhất nâng cao các giải pháp mang tính sáng tạo để nhân rộng các hình mẫu đang ở trong giai đoạn thử nghiệm. Qua đó, tiếp tục tiếp cận để giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều cũng như các lĩnh vực bảo trợ xã hội khác.

Khẳng định tại buổi tiếp, bà Pauline Tamesis cam kết, Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để chia sẻ kinh nghiệm, cũng như giúp Việt Nam dự báo các nguy cơ trong tương lai và đưa ra khuyến nghị hiệu quả đối với những nguy cơ đó.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên đã luôn phối hợp và hợp tác một cách hiệu quả, chân thành với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng cho biết, những năm qua, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả rất dài do chiến tranh để lại, vừa phải giải quyết các vấn đề hiện tại để đất nước phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có quan điểm là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó, có thể nói rằng, lĩnh vực xã hội, bảo trợ xã hội luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm, chăm lo.

Bộ trưởng chia sẻ, nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu hiện nay của Việt Nam là hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm pháp luật về bảo hiểm xã hội, người cao tuổi, xem xét sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

“Đăc biệt là đối với người khuyết tật, chúng tôi đang xem xét sửa đổi Luật Người khuyết tật để họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách cơ bản, coi đây là quyền tối thiểu mà người khuyết tật được hưởng. Và quan trọng hơn, để người khuyết tật thích ứng với biến đổi khí hậu, những tác động của xã hội mà đại dịch Covid-19 vừa rồi là một bài học rất sâu sắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ghi nhận 5 nội dung do bà Pauline Tamesis khuyến nghị, Bộ trưởng khẳng định, đầu tiên, cần phải tập trung chăm lo, cải thiện môi trường làm việc chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ cơ bản là cần thiết, trong đó cần nâng cao mức độ tiếp cận, thụ hưởng đối với các đối tượng thụ hưởng tại khu vực nông thôn, miền núi. Ngoài ra, cần đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp các dịch vụ xã hội, hướng tới mục tiêu mỗi công dân Việt Nam có một thẻ an sinh tích hợp tất cả các chính sách, gắn với cơ sở dữ liệu dân cư.