Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tăng cường đưa cán bộ về cơ sở rèn luyện

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi tích cực luân chuyển, tăng cường cán bộ về địa phương, đơn vị cơ sở. Cách làm này không chỉ giúp nhiều địa phương khắc phục hạn chế, yếu kém mà còn góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi nhân dân.

Khắc phục yếu kém của cơ sở

Năm 2010, đồng chí Võ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn được luân chuyển về giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn), địa bàn yếu kém nhiều năm mà chưa có giải pháp khắc phục. Đồng chí Tâm tâm sự, trước khi trao quyết định, lãnh đạo Huyện ủy gặp gỡ thông báo tình hình và động viên, nhưng bản thân tôi vẫn hồi hộp, lo lắng. Cho nên khi vừa nhận nhiệm vụ, tôi xuống ngay các thôn, xóm gặp gỡ trao đổi với bà con. Qua tìm hiểu, thấy nguyên nhân khiến nhiều mục tiêu, nhiệm vụ Đảng ủy xã đề ra chưa hoàn thành, chủ yếu do năng lực đội ngũ cán bộ hạn chế, nội bộ đảng, chính quyền chưa thật sự đoàn kết. Tôi bàn bạc với tập thể cấp ủy, tiến hành họp lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, thống nhất các giải pháp khắc phục. Việc đầu tiên Đảng ủy xã chỉ đạo là chấn chỉnh, thay đổi tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Giao các bộ phận chức năng theo dõi sát sao, nhắc nhở các trường hợp đi muộn về sớm, tự ý bỏ vị trí làm việc, không tiếp dân đúng quy định, lười đi cơ sở… Đối với cán bộ yếu chuyên môn, Đảng ủy, chính quyền tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, động viên, khuyến khích cán bộ tự học nâng cao trình độ. Cùng với đó, Đảng ủy xã tập trung xây dựng quy chế phối hợp công tác, phát huy tối đa nguyên tắc dân chủ.

Việc triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã giúp chính quyền, các đoàn thể dần củng cố mối đoàn kết, phát huy năng lực lãnh đạo. Nhiều yếu kém dần được khắc phục. Thí dụ như trong lĩnh vực quản lý đất đai, sau khi rà soát lại các hồ sơ liên quan, chính quyền địa phương hướng dẫn cho các hộ dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân được giải quyết thấu tình, đạt lý góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền. Từ đó, xã đã huy động được cán bộ và nhân dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng quê thay đổi rõ rệt. Năm 2015, sau nhiều năm yếu kém, Đảng bộ xã Bình Mỹ được đánh giá là đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục phát huy cách làm này, năm 2017, Huyện ủy Bình Sơn nhân rộng thành mô hình “Bình Sơn hướng về cơ sở rèn luyện cán bộ”. Theo đó, huyện thành lập 11 tổ công tác. Mỗi tổ do một ủy viên ban thường vụ huyện ủy làm tổ trưởng trực tiếp phụ trách một địa bàn yếu kém. Đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ đã phối hợp cùng đảng ủy, chính quyền các xã tìm giải pháp giải quyết những hạn chế, yếu kém kéo dài, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới… Sau hơn hai năm triển khai, mô hình phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều địa phương có chuyển biến tích cực. Điển hình là ở xã Bình Tân, một điểm nóng về khiếu kiện đất đai nhiều năm liền. Nhưng khi tổ công tác về xã đã giúp giải quyết dứt điểm hàng trăm hồ sơ, trường hợp tồn đọng, chấm dứt tình hình khiếu kiện kéo dài.

Giải pháp tăng cường đưa cán bộ về cơ sở của huyện Bình Sơn còn có hiệu quả là, hầu hết cán bộ sau khi được luân chuyển, tăng cường về cơ sở đều trưởng thành hơn. Đồng chí Võ Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ, hết thời gian đi luân chuyển về xã Bình Mỹ, trở về giữ cương vị Huyện ủy viên, Phó Trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Bình Sơn. Những kiến thức, kinh nghiệm từ cơ sở đã giúp đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư, công tác luân chuyển và tăng cường cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn và tuổi đời còn trẻ về cơ sở đã giúp huyện có được một đội ngũ cán bộ giỏi, trách nhiệm, biết chia sẻ khó khăn, thân thiện với người dân.

Phát huy năng lực sáng tạo

Không chỉ luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở, tỉnh Quảng Ngãi còn tích cực thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành về các huyện công tác nhằm phát huy năng lực sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cuối năm 2016, khi đang giữ cương vị Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, đồng chí Trần Văn Mẫn được luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức. Với trọng trách, nhiệm vụ mới, đồng chí luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, đồng chí Trần Văn Mẫn cùng Ban Thường vụ Huyện ủy mạnh dạn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai các dự án nông nghiệp hữu cơ. Đồng chí Mẫn chia sẻ, lợi thế lớn nhất của huyện là đồng đất rộng, thổ nhưỡng tốt, phù hợp phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nhưng do tư duy cũ nên chưa được khai thác hiệu quả. Đổi mới tư duy, dù biết sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhưng tập thể lãnh đạo vẫn thống nhất tiến hành, từng bước tháo gỡ. Đến nay, huyện thu hút được hơn 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hướng đi này đã giúp thay đổi diện mạo nhiều vùng đất cát ven biển của huyện. Tại xã Đức Thắng, đã quy hoạch hơn 100 ha liên vùng để phát triển cây măng tây theo mô hình VietGAP. Bác Nguyễn Văn Thê, ở xã Đức Thắng cho biết: Mô hình trồng cây măng tây cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và bảo đảm môi trường trong sạch, cho nên bà con yên tâm sản xuất.

Đồng chí Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá, hầu hết cán bộ luân chuyển, tăng cường về địa phương, cơ sở đều phát huy tốt năng lực lãnh đạo, điều hành, tích cực góp phần xây dựng tổ chức đảng, chính quyền vững mạnh. Trong đó, nhiều đồng chí nêu cao tinh thần tìm tòi, học hỏi, năng động, sáng tạo, có hướng đi mới, tạo được đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số cán bộ khi được luân chuyển, tăng cường về địa phương, cơ sở chưa làm tròn chức trách của mình, còn thụ động trong công việc, chưa hoạch định được nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ… Tình hình này cũng là cơ sở để các cấp ủy đảng đánh giá cán bộ chính xác, khách quan hơn. Chính vì vậy, thời gian vừa qua Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã triển khai luân chuyển, điều động nhiều cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành về địa phương, đơn vị công tác, để không chỉ nhằm mục đích rèn luyện cán bộ mà còn phục vụ công tác đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Thời gian tới, Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế, tạo điều kiện cho cán bộ được đi luân chuyển, tăng cường về cơ sở, phát huy tốt năng lực, sở trường, xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển để các đồng chí yên tâm công tác; đồng thời có quy chế đánh giá cán bộ thông qua kết quả trong thời gian luân chuyển, tăng cường. Tỉnh ủy xác định, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.