Triển khai sâu rộng, hiệu quả thiết thực
Ngày 13/9/2017, Bình Phước ban hành Quyết định số 780-QĐ/TU quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân. Quy định nêu rõ quan điểm việc đối thoại với nhân dân được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, chân tình, đúng trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng vì lợi ích chung.
Thời gian tổ chức đối thoại xác định rõ được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, theo định kỳ hằng tháng, hằng quý. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức đối thoại đột xuất đối với những vấn đề dư luận quan tâm. Ngay sau khi ban hành, Quy định đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai, thực hiện nghiêm túc.
Huyện Phú Riềng là địa bàn miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai gặp khó khăn do một số người dân chưa chú trọng việc đo đạc diện tích cũng như thực hiện các thủ tục giấy tờ khi mua bán, sang nhượng. Khi kinh tế phát triển, Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi, nhưng nhiều người dân không tiếp cận được do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Năm 2023, qua đối thoại trực tiếp với người dân, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Xuân Hòa nhận được nhiều ý kiến mong muốn được chính quyền giúp đỡ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thấy đây là nguyện vọng chính đáng, đồng chí Bí thư đã bàn với Thường trực Huyện ủy, thống nhất thành lập tổ tình nguyện hỗ trợ nhân dân làm sổ đỏ. Trong đó, lực lượng nòng cốt là các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký Đất đai chi nhánh Phú Riềng, đoàn thanh niên và chính quyền sở tại.
Đều đặn vào các thứ bảy và chủ nhật hằng tháng, lực lượng tình nguyện mang theo thiết bị chuyên dụng xuống các xã hỗ trợ người dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy xuống cùng các ban, ngành, chính quyền cơ sở, chỉ đạo rà soát kỹ các trường hợp chưa được cấp sổ đỏ.
Lực lượng tình nguyện tiến hành đo đạc lại các thửa đất nếu có sự thay đổi, hỗ trợ người dân bổ sung hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ. Trong quá trình làm vướng mắc ở đâu, báo cáo lãnh đạo huyện kịp thời tháo gỡ ngay tại đó. Khi hồ sơ hoàn thiện, cơ quan chuyên môn nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đồng chí Nguyễn Danh Tùng, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Riềng cho biết, năm 2023, tổ tình nguyện đã hỗ trợ các xã xét duyệt 275 hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân xã Phước Tân, 71 hồ sơ cho người dân xã Long Hà và 57 hồ sơ ở xã Phú Riềng. Năm 2024 và năm 2025 huyện đặt mục tiêu giải quyết hơn 3.000 hồ sơ cho người dân các xã khác trên địa bàn.
Theo Tỉnh ủy Bình Phước, kết quả thực hiện Quyết định số 780-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận hầu hết các ý kiến, kiến nghị phản ánh của nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, chỉ đạo giải trình, giải quyết theo quy định.
Qua đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập kéo dài được giải quyết dứt điểm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với tổ chức đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ.
Đồng thuận tạo bứt phá phát triển
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, tinh thần chủ động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại Bình Phước đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức sáng tạo, tinh thần đóng góp tích cực của nhân dân trong nhiều công việc chung.
Câu chuyện của Bí thư Huyện ủy Phú Riềng chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân đã được ghi nhận, đánh giá cao. Do vậy, khi huyện triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân tham gia tích cực.
Hơn 2.000 hộ dân trong huyện tình nguyện hiến hơn 180 ha đất, thanh lý cây trồng và tháo dỡ các vật kiến trúc trên đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để huyện có mặt bằng sạch xây dựng các dự án giao thông mới liên xã, liên huyện. Nhờ đó, tạo động lực và không gian để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều hộ gia đình mạnh dạn triển khai, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, góp phần nâng cao đời sống như tổ liên kết sản xuất “Nuôi trồng thủy sản” thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho; tổ trồng điều hữu cơ thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng; trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại xã Long Hưng…
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, từ 4,92% vào năm 2015 nay còn 0,17%. Hiện tại tất cả 10 xã của huyện đã về đích nông thôn mới, trong đó có bốn xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Đối với huyện Bù Đăng, công tác tiếp công dân, đối thoại của cấp ủy, chính quyền luôn được coi trọng. Chỉ trong hai năm gần đây, Huyện ủy đã tổ chức hơn 10 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa bí thư huyện ủy với cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, thị trấn với số lượng hơn 1.000 lượt người.
Đồng chí Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng cho biết, qua đối thoại, huyện ủy nhận được nhiều ý kiến, góp ý tâm huyết của nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là cơ sở quan trọng để huyện ủy xây dựng, triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình sát thực tiễn và gắn với quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Những chủ trương hợp lòng dân đã huy động toàn dân góp sức cùng cấp ủy, chính quyền tạo nhiều kết quả bứt phá.
Những chủ trương hợp lòng dân đã huy động toàn dân góp sức cùng cấp ủy, chính quyền tạo nhiều kết quả bứt phá. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng được hoàn thiện. Các tuyến đường liên xã được nhựa hóa, 100% đường liên thôn được cứng hóa, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được hoàn thiện.
Tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã xóa nạn mù chữ và duy trì kết quả phổ cập trung học cơ sở, có 34/54 trường đạt chuẩn quốc gia. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trước đây, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 23,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Bù Đăng đã giảm xuống còn 0,35%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 77 triệu đồng/người/năm. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Việc thực hiện quy định đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại Bình Phước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung toàn tỉnh. Năm 2024, Bình Phước huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện hơn 38 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng cao, ước đạt 8,7%, vượt kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, Bình Phước tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Bình Phước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Đây là nhiệm vụ lớn với nhiều khó khăn, thách thức.
Để hoàn thành mục tiêu, Tỉnh ủy Bình Phước xác định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế; trong đó, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được xem như giải pháp đột phá nhằm giải quyết vướng mắc, tăng cường đồng thuận tạo đà bứt phá, phát triển.