Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại Hưng Yên

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, qua đó giúp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận đã vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, làm môi trường bị ô nhiễm, gây bức xúc cho xã hội. Đây là vấn đề cần được các cấp, các ngành ở Hưng Yên tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Khu xử lý nước thải ở Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, tỉnh Hưng Yên.
Khu xử lý nước thải ở Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, tỉnh Hưng Yên.

Theo phản ánh của nhiều cử tri tỉnh Hưng Yên, hiện nay, nước thải của khu công nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề... chưa được xử lý triệt để; tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp nguy hại ra nơi công cộng đã gây ô nhiễm môi trường sống khu dân cư, ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân.

Trước phản ánh nêu trên, Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Lê Đức Lành cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường kiểm tra, xác minh thông tin; lấy mẫu môi trường khu vực; khoanh vùng khu vực bị ảnh hưởng và chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa lan truyền ô nhiễm ra môi trường chung quanh; thực hiện việc thu gom, xử lý môi trường khu vực bị ảnh hưởng, lập biên bản xác nhận vụ việc; xác định đối tượng và các hành vi vi phạm.

Cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước và xử phạt đối với một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp dệt may Phố Nối do có vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối bị xử phạt 250 triệu đồng; Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan (Việt Nam) bị xử phạt 55 triệu đồng; Công ty TNHH Dệt may Đại Hoa (Việt Nam) bị xử phạt 350 triệu đồng; Công ty TNHH May thêu Khải Hoàn bị xử phạt 350 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất Sweet Lan-Tex bị xử phạt 350 triệu đồng. Về việc hàng chục tấn chất thải bị đổ trộm ngay sát khu dân cư tại huyện Yên Mỹ, Ủy ban nhân dân huyện Yên Mỹ đang chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện xác minh làm rõ vụ việc.

Hưng Yên đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỉnh đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhưng cũng quán triệt phát triển kinh tế-xã hội phải quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường. Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 đã ban hành nghị quyết về chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội.

Tỉnh Hưng Yên đã ban hành đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó, quy định các doanh nghiệp xả nước thải có lưu lượng hơn 100 m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động. Đến nay, đã có khoảng 20 cơ sở lắp đặt vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục...

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như: tình trạng xả nước thải chưa xử lý, hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường; đổ trộm rác thải ra nơi công cộng, đốt rác gây ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn triệt để; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với yêu cầu; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm. Hiện tỉnh cũng còn hai làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; thị xã Mỹ Hào và các đô thị loại V chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung bảo đảm yêu cầu...

Để giảm ô nhiễm môi trường, các cấp, ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa việc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Các khu, cụm công nghiệp đã thành lập cần sớm đầu tư đầy đủ, đồng bộ hạ tầng về bảo vệ môi trường, công trình xử lý nước thải tập trung đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bên cạnh đó, các cấp, ngành cần vận hành hiệu quả trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải; thực hiện kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải chất thải lớn trên địa bàn tỉnh, thường xuyên lấy mẫu giám sát môi trường đối với các cơ sở phát sinh chất thải lớn; các cơ sở là điểm nóng về ô nhiễm môi trường; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; cần xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường.