Công văn nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà. Số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên. Trong đó, nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
Cục Trẻ em đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung, công việc sau:
Trước hết, khẩn cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.
Số liệu, danh sách trẻ em cập nhật gửi cho Cục Trẻ em bằng các phương tiện thông tin môi trường mạng (email, Zalo...) và văn bản về địa chỉ tầng 6, Khách sạn Công đoàn Quảng Bá, 98 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội để phối hợp, điều phối việc hỗ trợ kịp thời.
Cùng với đó, phối hợp các ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương tham mưu với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.
Ngoài ra, nhân bản, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cấp xã, mạng xã hội và phân phát tờ rơi, tờ gấp, áp phích... đến từng địa bàn giãn cách, cơ sở cách ly các nội dung hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong đại dịch Covid -19. Sử dụng các sản phẩm truyền thông mẫu đã được Cục Trẻ em phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế xây dựng, sản xuất.
Liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để được hướng dẫn, tư vấn về: an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thường xuyên thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em ảnh hưởng bởi Covid-19, việc hỗ trợ cho trẻ em hoặc các vấn đề phát sinh, trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em cho các cấp, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và cho Cục Trẻ em để có giải pháp xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.