Tăng cường các biện pháp bảo vệ chim hoang dã

Hiện nay, tình trạng săn bắt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép chim hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, môi trường sinh thái; đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng xã hội, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng Nghệ An thả chim trời do các đối tượng săn bắt bị thu giữ về thiên nhiên.
Lực lượng chức năng Nghệ An thả chim trời do các đối tượng săn bắt bị thu giữ về thiên nhiên.

Những ngày gần đây, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số địa phương như: Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Lào Cai, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… đã xuất hiện tình trạng người dân đặt bẫy trên những cánh đồng để bắt chim trời.

Đáng chú ý, việc làm này diễn ra công khai nhưng không được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sở tại quan tâm nhắc nhở, xử lý. Lợi dụng mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, những người bắt chim trời thường sử dụng lưới, bẫy dính, bẫy sập, thậm chí dùng các loại súng tự chế để bắn, giết chim trời.

Chim trời sau khi bị bắt thường được các "thợ săn" bán lại cho những nhà hàng, người dân để làm món ăn hoặc đem ra các chợ đầu mối, bày công khai tại những con đường nơi có nhiều người qua lại để bán. Giá bán thông thường mỗi con chim từ 10.000-50.000 đồng với một số loại chim quý hiếm, giá bán còn cao hơn.

Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương đã và đang tích cực thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Trong những năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh như kiểm lâm, công an đã xử lý hàng trăm vụ việc, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm, thu giữ nhiều chim hoang dã thả về tự nhiên.

Tại thành phố Lào Cai, hiện đã bắt đầu vào mùa các loài chim tự nhiên di cư để tránh rét và sinh sản, trong đó có nhiều loài chim hiếm đang bị đe dọa cần được bảo vệ như cu gáy, cò, dẽ... Trên một số xã, phường đã xuất hiện tình trạng người dân tổ chức bẫy, bắt các loài chim hoang dã.

Các đối tượng săn bắt đã sử dụng lưới và sóng siêu âm, loa, keo dính... để bẫy, bắt chim, tại các cánh đồng, khu vực hoang vắng, đặc biệt là khu bãi nổi giữa sông Hồng tại các phường Lào Cai, Cốc Lếu... Tình trạng nêu trên đã làm ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ sinh thái môi trường, giảm sút về số lượng và số lượng cá thể các loài chim, thú...

Để tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; kịp thời ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt hiện tượng săn bắt trái pháp luật các loài chim trời hoang dã, thú di cư trên địa bàn, ngày 27/9/2023, thành phố Lào Cai đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức trong toàn thể nhân dân về ý thức bảo vệ chim trời hoang dã, chim di cư. Nghiêm cấm các hành vi mua, bán, bẫy, bắt, chế tác, quảng cáo sử dụng trái pháp luật các loài động vật hoang dã và sản phẩm mẫu vật từ động vật, đặc biệt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; không tham gia khai thác, vận chuyển, mua, bán các loài động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào; kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm; lập biên bản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà cho biết, hằng năm, vào mùa chim di cư (từ mùa thu năm nay đến hết mùa xuân năm sau), nhiều địa phương trong cả nước có chim đến cư trú, cũng là thời điểm các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. Trước đây các quy định quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến việc săn bắt, buôn bán các loài chưa rõ ràng, do đó dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, gây ra những khó khăn nhất định cho công tác thực thi pháp luật và ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã. Đến thời điểm hiện nay, các quy định pháp luật đã tương đối rõ và chặt chẽ để góp phần xử lý các vi phạm. Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài chim trời đều được coi là động vật hoang dã và theo đó, người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân). Các hành vi vi phạm chim hoang dã phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo Điều 234; tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.

Nhằm triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa chim di cư hằng năm và hưởng ứng Ngày quốc tế về chim di cư (14/10/2023), mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai một số nội dung liên quan góp phần bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.

Cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường, công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư…