Tăng cường bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ

Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12) đang được thành phố Hà Nội tích cực triển khai.
0:00 / 0:00
0:00

Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở. Nhờ đó, các chỉ tiêu về bình đẳng giới như chỉ tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa và thông tin, trong đời sống gia đình... đều đạt và vượt mức so với kế hoạch thành phố đề ra.

Chỉ tính riêng chín tháng của năm 2022, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tiếp nhận 176 vụ việc phản ánh về bạo lực, qua xác minh, có 112 vụ việc đúng, trong đó có 106 vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, chiếm tỷ lệ 94,6%; có 126 nạn nhân được tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, đạt 100%. Công tác cán bộ nữ tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Tính đến ngày 30/6/2022, số lượng cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền cấp thành phố đạt tỷ lệ 19,2%; cấp huyện là 29,6%; có 12 trong số 30 Ủy ban nhân dân cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 58 trong số 579 Ủy ban nhân dân cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ…

Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái, tạo sức lan tỏa làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phát huy các mô hình “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”. Cùng với đó, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, bị mua bán... đặc biệt phụ nữ và trẻ em. Tăng cường tổ chức kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

Cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền và cộng đồng, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới, một thông điệp cũng được gửi gắm tới mỗi người phụ nữ đó là tìm kiếm sự bình đẳng giới từ chính gia đình và xem đây là nhân tố quan trọng tiến đến sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ.

Bởi gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội và giáo dục bình đẳng giới ngay từ mỗi gia đình sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ■