Tăng cường biện pháp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã

NDO -

Ngày 15/12, tại Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức buổi tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức”.

Đại diện ENV thông tin về xử lý tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam.
Đại diện ENV thông tin về xử lý tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam.

Trong 5 năm qua, ENV đã ghi nhận 9.239 vụ vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam, bao gồm gần 25 nghìn các vi phạm đơn lẻ, từ các vi phạm ít nghiêm trọng như nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng hoặc quảng cáo các sản phẩm làm từ ngà voi trên internet, đến các vụ bắt giữ với số lượng lớn như sừng tê giác, vảy tê tê, nuôi nhốt hổ…

Thời gian vừa qua, ENV đã tiến hành khảo sát để đánh giá tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tại 16.556 cơ sở kinh doanh (gồm nhà hàng, quán bar, chợ và cửa hàng thú cảnh) tại 10 đô thị lớn trên cả nước. Khoảng 12% các cơ sở có vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Việc mua bán và quảng cáo động vật hoang dã trên không gian mạng cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây khiến công tác xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Chỉ riêng năm 2020, ENV đã ghi nhận thêm 1.759 vụ việc mới trên internet. Hơn nữa, kể từ năm 2015 đến nay, gần 100 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đã bị bắt giữ tại các cảng và sân bay lớn trên cả nước.

Năm 2020, đã có 98 vụ án được đưa ra xét xử, trong đó 50% vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù, mức án tù giam trung bình là 4,25 năm. Sau hơn 3 năm khi có Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực đấu tranh với các tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan chức năng cũng như của ngành tư pháp khi ngày càng có nhiều bản án nghiêm khắc hơn.

Tăng cường biện pháp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã -0

Lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện một nhà dân nuôi nhốt động vật hoang dã và trữ thịt ngày 9/12.

Tuy nhiên, để Việt Nam có thể thành công trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp và chiến lược toàn diện đồng thời từ nhiều phía.

ENV cũng đề xuất thực hiện 10 hành động cấp bách nhằm giải quyết hiệu quả nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam như nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép; xoá bỏ nạn tham nhũng; nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã;  nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại; chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi, nhốt gấu ở Việt Nam; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm động vật hoang dã trên internet…