Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2020, tổ chức này đã ghi nhận 1.744 vụ vi phạm liên quan ÐVHD. Trong đó, có tới 687 vụ liên quan buôn bán và quảng cáo; 425 vụ liên quan tàng trữ trái phép ÐVHD, chủ yếu là động vật còn sống. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan bảo vệ pháp luật và sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội, hàng nghìn cá thể ÐVHD còn sống đã bị cơ quan chức năng tịch thu, cứu hộ kịp thời, bao gồm: Gấu ngựa, vượn, voọc, cu-li, tê tê, khỉ, nhiều loại rùa cạn, rùa nước ngọt, cá mập... Nhờ ý thức của cộng đồng xã hội, số vụ việc vi phạm bị tố giác ngày càng tăng, thậm chí có những vụ buôn bán ÐVHD xuyên quốc gia với số lượng lớn, hình thức tinh vi cũng đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật triệt phá.
Những năm qua, công tác bảo vệ ÐVHD được sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành cho nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình nêu trên, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống, đấu tranh với tội phạm liên quan ÐVHD và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), nâng cao khung hình phạt với những hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ các sản phẩm từ ÐVHD và ban hành nhiều văn bản pháp luật khác quy định bảo vệ các loài hoang dã. Mặc dù vậy, việc thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về pháp luật bảo vệ ÐVHD của cộng đồng còn hạn chế, niềm tin của người dân vào việc sử dụng ÐVHD để trị bệnh, làm đồ thủ công mỹ nghệ hay đem lại may mắn… vẫn còn tồn tại.
Theo Nghiên cứu về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, khoảng 50% số người mua và sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi và vẩy tê tê nhận thức không đầy đủ về các điều luật và hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này. Thực tế thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã đạt được những thành công trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm góp phần chấm dứt nạn buôn bán ÐVHD. Tuy nhiên, trước nguy cơ tội phạm về ÐVHD có chiều hướng hoạt động tinh vi hơn, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về lĩnh vực này, cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp tiến công, trấn áp tội phạm. Dựa trên thực tế diễn biến của hoạt động khai thác, buôn bán ÐVHD, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm; tiếp tục hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015 và pháp luật liên quan công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm; phòng, chống săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã.
Theo luật sư Vũ Thọ (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội), cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, và phòng, chống săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thuộc địa phương quản lý. Ðồng thời, phải tăng cường phòng, chống vi phạm; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, buôn bán trái phép ÐVHD. Bổ sung kịp thời các nguồn lực cho công tác bảo tồn, chống săn bắt, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã; đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên nhiên, nhất là về pháp luật của quốc gia, quốc tế trong bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm. Quản lý hoạt động gây nuôi, phát triển động, thực vật hoang dã hiệu quả, minh bạch hơn. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ thiên nhiên, đấu tranh phòng, chống buôn bán ÐVHD, hiệu quả hóa việc bảo vệ, ngăn chặn hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm.
Bên cạnh đó, cần sử dụng truyền thông làm công cụ để thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội, góp phần hỗ trợ thực hiện các quy định pháp luật, nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm có nguồn gốc từ ÐVHD bất hợp pháp khác. Theo Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, tội phạm về buôn bán trái pháp luật ÐVHD cần bị coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng, có tổ chức và phần lớn mang tính chất xuyên biên giới.
Việc bảo vệ các loài động vật, nhất là ÐVHD, trong đó có những loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, hơn lúc nào hết, cùng với việc tăng cường công tác trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm từ ÐVHD, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề này.