Tăng cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với nông dân và lao động tự do

Hiện nay, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Quy định tăng lương cơ sở 30% từ ngày 1/7/2024 cũng khiến mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của nông dân và người lao động tự do. Do đó, cử tri đề xuất tăng mức hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhóm đối tượng này có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đề xuất tăng mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện để thu hút nông dân, lao động tự do

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ về đề xuất tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.

Theo cử tri thành phố Cần Thơ, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hầu hết hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, hơn 5% hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên còn hàng nghìn lao động, nông dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng nghìn người này khi hết tuổi lao động không có lương hưu để ổn định cuộc sống.

Nguyên nhân cơ bản nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm, với mức hỗ trợ lần lượt đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%.

Trong khi đó, từ ngày 1/7/2024, mức tăng lương cơ sở là 30%, tương đương 2,34 triệu đồng, làm cho mức đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, càng ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của nông dân và người lao động tự do.

Do đó, cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị đề xuất tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai.

Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm, với mức hỗ trợ lần lượt đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%.

Về vấn đề này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau là chủ trương nhất quán được nêu tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó, mục tiêu là phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội. Chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018 với các mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ. Quy định của pháp luật cũng đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung: “... có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội".

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Nghị định về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ trong quá trình xây dựng Nghị định để trình Chính phủ trong năm 2025.

Ngoài ra, nhằm giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn có kỹ năng nghề để tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, có việc làm để tăng thu nhập và cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, giúp người lao động có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cụ thể như:

Thứ nhất, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thứ tư, hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội (trong đó có thanh niên nông thôn) theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ.

Đồng thời, nhằm giúp lao động nông thôn có cơ hội được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đã quy định các hình thức đào tạo mở, linh hoạt, phù hợp với điều kiện học tập của người lao động như: đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo Thông tư số 33/2018/TT- BLĐTBXH ngày 26/12/2018 và đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học theo Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017.

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tích hợp nội dung Đề án “Đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” vào Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn”, đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung chỉ đạo về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ngày 26/9/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 63/TTr-BLĐTBXH về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn”.

Hơn 1,99 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã triển khai được 16 năm, góp phần bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động yếu thế là lao động tự do và nông dân, giúp họ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội và được bảo vệ khi về già.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2024, cả nước có hơn 1,99 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Con số này tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong luật có nhiều điểm mới mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Bên cạnh hai chính sách hưu trí và tử tuất với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng bổ sung chế độ thai sản cho nhóm đối tượng này.

Cụ thể, có quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con.

Theo đánh giá tác động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chế độ thai sản với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con dự kiến phát sinh khoảng 171 tỷ đồng/năm với ngân sách nhà nước.