Gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn từ năm 2016 đến 2021 đối với nhiều bộ, ngành, địa phương và Bộ Công an được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, nhất là việc tiếp công dân của Bộ trưởng. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Thanh tra Công an nhân dân (CAND) đã tích cực, chủ động tham mưu thủ trưởng công an các cấp thực hiện hiệu quả việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND.
Từ năm 2017 đến năm 2021, lực lượng CAND đã tiếp 215.478 lượt công dân, tiếp nhận, 132.216 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an, trong đó có 21.614 đơn thuộc thẩm quyền Công an các cấp.
Khảo sát thống kê cho thấy, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu: (1) Về khiếu nại: Khiếu nại của cán bộ chiến sĩ (CBCS) chủ yếu là khiếu nại các quyết định kỷ luật, chế độ, chính sách. Khiếu nại của công dân chủ yếu là khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hành vi hành chính của CBCS công an trong các lĩnh vực: Tuần tra kiểm soát giao thông; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông; công tác tiếp dân giải quyết hộ khẩu, cấp căn cước công dân; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh… (2) Về tố cáo: Chủ yếu là tố cáo CBCS công an có biểu hiện kinh tế bất minh, tham nhũng, xử lý vi phạm hành chính, điều tra, xử lý tội phạm trái luật, sử dụng văn bằng bất hợp pháp, đánh người trong khi thi hành công vụ, vay mượn nợ không có khả năng trả, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, quan hệ bất chính...
Thanh tra CAND đã kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền xác minh, giải quyết 19.380 đơn khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ giải quyết 90%; trong đó đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến CBCS thuộc công an địa phương chiếm tỷ lệ 90%. Căn cứ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, lực lượng công an đã xử lý kỷ luật nhiều CBCS vi phạm, kiểm điểm, phê bình, cắt thi đua hàng nghìn CBCS liên quan và cũng đã minh oan cho nhiều tập thể, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo sai.
Thanh tra CAND với vai trò nòng cốt đã chủ động tham mưu cho thủ trưởng công an các cấp giải quyết có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng, kéo dài…
Cán bộ làm công tác thanh tra không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu vận dụng có hiệu quả các quy định của pháp luật, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp CBCS có sai phạm; vận dụng linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra; thận trọng, khách quan trong việc thu thập, nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài những kết quả đã đạt được, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo chưa bảo đảm khách quan, triệt để, chính xác; một bộ phận lãnh đạo công an các cấp chưa quan tâm làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến kết quả giải quyết chưa đầy đủ, chính xác, có những vụ việc giải quyết không dứt điểm, còn chậm trễ.
Nguyên nhân ở đây chủ yếu là do: (1) Việc bố trí, sử dụng cán bộ ở một số công an đơn vị, địa phương thiếu tính ổn định; lực lượng làm công tác thanh tra kiêm nhiệm ở các đơn vị thường xuyên thay đổi do luân chuyển, điều động thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác nhau. Khi Bộ Công an triển khai mô hình tổ chức mới và thực hiện đề án bố trí công an xã, nhiều cán bộ thanh tra ở công an địa phương được điều động về công tác tại công an xã, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn; (2) Việc xây dựng một số văn bản quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của lực lượng CAND chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc áp dụng và thi hành; (3) Chất lượng tham mưu của một số cán bộ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; (4) Công tác theo dõi, quản lý, giám sát cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, dẫn đến cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ vẫn mắc phải sai phạm phải kiểm điểm, xử lý; (5) Việc nắm tình hình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra CAND chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng dẫn đến các vụ việc giải quyết có lúc chưa triệt để.
Để góp phần thực hiện nghiêm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ sau:
Thanh tra CAND trong công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuyệt đối tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công an, quy chế, quy trình và điều lệnh CAND; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ủy CAT.Ư, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; lấy xây dựng lực lượng CAND là mục tiêu; kiên quyết phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật CAND, gây mất đoàn kết nội bộ.
Tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng; xác định rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của thủ trưởng, cán bộ làm công tác thanh tra tại công an các địa phương.
Thanh tra Bộ Công an tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo rà soát, phát hiện những điểm không phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an ban hành để tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an hoặc tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của lực lượng công an các đơn vị, địa phương nói chung, lực lượng Thanh tra CAND nói riêng.
Trước hết phải kiểm tra việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của thủ trưởng công an các địa phương như: Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch thanh tra, tiếp nhận, phân loại, đề xuất xử lý đơn; việc chỉ đạo, điều hành, lựa chọn, phân công cán bộ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức rút kinh nghiệm.
Kiện toàn tổ chức thanh tra công an các đơn vị, địa phương, củng cố, sắp xếp, bổ sung biên chế tổ chức thanh tra tại đơn vị, địa phương bảo đảm số lượng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Trang bị phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng những thành tựu của khoa học-công nghệ để làm tốt công tác lưu trữ thông tin, kiểm tra, xác minh và giải quyết đơn hiệu quả, khoa học.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các đơn vị chức năng khác một cách toàn diện, từ trao đổi thông tin tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng, phối hợp thực hiện xác minh nội dung, thu thập tài liệu đánh giá chứng cứ để kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để chủ động tham mưu cho thủ trưởng công an các cấp chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân trong CAND có hành vi vi phạm nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.