Đây là thông tin từ hội thảo “Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp” do Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light), tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam phối hợp Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBV.net) tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” (dự án SUSO ), do Liên hiệp châu Âu tài trợ.
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người trong cuộc đời phải chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Phần lớn phụ nữ chấp nhận chịu đựng bạo lực. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể về xác và/ hoặc tình dục do chồng/ bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các dịch vụ hỗ trợ nhà nước.
Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạo lực đối với phụ nữ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ.
“Bên cạnh việc thúc đẩy các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người bị bạo lực, rất cần phải thể chế hóa và nâng cao chất lượng các các dịch vụ tại cộng đồng bao gồm nơi tạm lánh an toàn, đường dây nóng từ công an hỗ trợ kịp thời, cơ sở y tế áp đụng đúng hướng dẫn sàng lọc người bị bạo lực. Và quan trọng hơn tất cả, đó là cần có một cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các dịch vụ khác nhau ở cùng một cấp và giữa các cấp khác nhau” bà Lê Thị Hồng Giang, cố vấn về Giới của CARE International tại Việt Nam cho biết.
Thiết kế tiêu chuẩn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới gồm: dịch vụ chăm sóc y tế, dịch vụ hành pháp và tư pháp và dịch vụ xã hội.
Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu mới nhất mà CSAGA và CARE tiến hành cho thấy có sự hiện diện của các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và nhà tạm lánh hỗ trợ cho người bị bạo lực giới từ cấp trung ương tới xã/thôn. Tuy vậy, sự hiện diện của từng dịch vụ tại các cấp khác nhau với từng loại hình dịch vụ có sự khác biệt. Dịch vụ trợ giúp pháp lý hiện diện xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, nhưng nhà tạm lánh và dịch vụ tư vấn thì mới chỉ có ở trung ương và một số tỉnh.
Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đối với nạn nhân cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp người bị bạo lực giới không có khả năng tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đặc biệt là người bị bạo lực tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người bị bạo lực tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp. Đặc biệt, nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do tâm lý e ngại, xấu hổ.