Tàn tích tên lửa của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương

NDO -

Tàn tích của tên lửa lớn nhất của Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 9-5 sau khi hầu hết các thành phần của nó bị phá hủy khi quay trở lại bầu khí quyển.

Tên lửa Trường Chin-5B Y2, mang theo module lõi của trạm vũ trụ Thiên Hòa của Trung Quốc, cất cánh từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29-4. Ảnh: China Daily.
Tên lửa Trường Chin-5B Y2, mang theo module lõi của trạm vũ trụ Thiên Hòa của Trung Quốc, cất cánh từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29-4. Ảnh: China Daily.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, các bộ phận của tên lửa quay trở lại bầu khí quyển vào lúc 10 giờ 24 phút sáng ngày 9-5 theo giờ Bắc Kinh và hạ cánh tại vị trí có tọa độ 72,47 độ kinh Đông và 2,65 độ vĩ Bắc, đại dương phía tây quần đảo Maldives.

Đây là lần thực thi nhiệm vụ thứ hai của tên lửa Trường Chinh phiên bản 5B kể từ chuyến bay đầu tiên của nó vào tháng 5-2020. Năm ngoái, các mảnh của Trường Chinh 5B đầu tiên đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà. Không có thương tích nào được báo cáo.

Người dân ở Jordan, Oman và A-rập Xê-út đã thông báo trên mạng xã hội về việc nhìn thấy các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc, nhiều người đăng tải đoạn phim về các mảnh vỡ xuyên qua bầu trời bình minh sớm ở Trung Đông.

Mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B dài khoảng 30 mét, là một trong những mảnh vỡ không gian lớn nhất rơi xuống Trái đất. Thông thường, các phần tên lửa bị loại bỏ sẽ quay trở lại bầu khí quyển ngay sau khi cất cánh, thường ở trên mặt nước và không đi vào quỹ đạo.

Và theo các chuyên gia, với hầu hết bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, tỷ lệ khu vực dân cư trên đất liền bị ảnh hưởng là thấp và khả năng bị thương thậm chí còn thấp hơn.

Nhưng sự không chắc chắn về sự quay trở về của tên lửa và việc Trung Quốc không đưa ra lời cam đoan mạnh mẽ trong lúc tên lửa chuẩn bị quay trở lại Trái đất đã làm dấy lên lo lắng.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 7-5, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân, cho biết, các tầng trên của tên lửa sẽ bốc cháy trong khi quay trở lại bầu khí quyển.

"Theo hiểu biết của tôi, phần trên của tên lửa này đã ngừng hoạt động, có nghĩa là hầu hết các bộ phận của nó sẽ cháy khi quay lại bầu khí quyển, khiến khả năng hư hỏng đối với các cơ sở và hoạt động hàng không hoặc mặt đất là cực kỳ thấp", ông Vương Văn Bân cho biết vào thời điểm đó.

Tên lửa Trường Chinh 5B mang module chính của trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của Trung Quốc - Tianhe, hay Thiên hòa - lên quỹ đạo vào ngày 29-4. Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm 10 lần nữa để mang các bộ phận bổ sung của trạm vũ trụ vào quỹ đạo nhằm hoàn thành trạm vào năm 2022.