Nắng như đổ lửa. Nhìn trên mặt đại lộ tít tắp, tôi thấy rõ những làn không khí mỏng mảnh bốc lên, nung dẻo nhựa đường. Hôm nay, tôi lên chốt cùng Đức, Phương và Hiền. Ngoài tôi làm báo, ba người còn lại ở ba đơn vị, lực lượng khác nhau.
Chốt Phòng chống dịch Covid-19 này ở giao lộ Hải Thượng Lãn Ông và Võ Văn Kiệt. Được Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Quận 5 (TP Hồ Chí Minh) thiết lập từ ngày thực hiện Chỉ thị 16, rồi Chỉ thị 16 tăng cường.
Nếu như tại đây, ca 1 kéo dài từ 6 giờ - 9 giờ thì ca 2 sẽ từ 9 giờ -12 giờ; và ca 3, ca 4, ca 5,… có thời gian mỗi ca 3 tiếng; được duy trì 24/7. Tuy nhiên, ca 1 và ca 2 là thời gian mệt nhọc nhất bởi lúc này, lưu lượng đi lại khá thường xuyên, dù cho người-phương tiện di chuyển đều có lý do hợp lý.
Sau khi xin ý kiến và được UBND quận 5 đồng ý, tôi được hướng dẫn ra chốt này, đúng vào ca trực thứ 2, bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Trước khi tôi lên chốt, Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Xuân Trung cung cấp thông tin, toàn địa bàn đã lập 523 chốt, 488 đoàn kiểm tra; kiểm tra 50.179 trường hợp, xử phạt 218 vụ với số tiền 404.550.000 đồng.
Tuy nhiên các lực lượng chủ yếu là nhắc nhở nhân dân ý thức phòng, chống dịch, hướng dẫn lưu thông và tạo luồng, tuyến cho xe ưu tiên vì thật sự, không ai dám ra ngoài thời điểm này nếu không cần thiết.
Thượng úy CSGT Nguyễn Minh Hiền hiền lành như cái tên của anh. Hơn tháng rưỡi nay, đảng viên trẻ này không được về nhà bởi mỗi ngày phải lên chốt 2 ca. Hiền nói lúng búng qua lớp khẩu trang: “Ba mẹ em cũng già rồi, con thì mới một tuổi rưỡi, nhà em ở quận Bình Tân nằm trong ổ dịch… nên tốt nhất là em ở lại đơn vị. An toàn cho tất cả mọi người. Sau mỗi lần lên chốt về, đơn vị (Đội CSGT-TT Công an quận 5) đo nhiệt độ, khử khuẩn, yêu cầu thay giặt quân phục rồi mới an tâm. Dù cho giãn cách nhưng mỗi ca, tụi em cũng tiếp xúc vài trăm đến ngàn lượt xe-người. Nguy hiểm lắm!”. Nhìn gương mặt sạm đen phần không đeo khẩu trang và đôi tay ướt át trong lớp găng cao su của Hiền, tôi thấy một ca lên chốt sao mà dài quá.
Một anh shipper (người giao hàng công nghệ) trờ đến, như thói quen, Thượng úy, đảng viên trẻ Mai Thanh Phương đưa tay vẫy. Do luống cuống và có phần lo sợ, anh shipper suýt tông phải Phương. Nhưng bằng phản xạ nhanh nhẹn của người lính cứu hỏa (Đội Cảnh sát PCCC quận 5), anh né được.
Kiểm tra giấy tờ của công ty xe ôm công nghệ cấp cho shipper xong, Phương đề nghị anh này mở app lên cho xem, rồi mới phất tay ra hiệu mời xe qua, không quên thòng câu: “Dịch mà, chạy chậm thôi nha”. Anh shipper trả lời một câu mà đắng lòng cả chốt: “Đói quá mấy anh ơi. Ở nhà gạo đâu mà ăn!”.
Phương nói: “Ngoài đường toàn xe của người giao hàng, xe chở rau củ quả, xe vận chuyển barie và nhiều nhất vẫn là xe cấp cứu. Ngoài ra, tụi em cũng phải kiểm tra kỹ các shipper vì vẫn có nhiều trường hợp mua áo quần giả làm xe giao hàng công nghệ để ra đường”.
Theo lời của anh em ở chốt, rất nhiều người dân đã nổi nóng, cự nự lại khi được yêu cầu “quay đầu xe” nhưng anh em đều hiểu, đó là tâm lý bức rức, khó chịu khi phải ở một chỗ quá lâu.
Đã hơn 10 giờ sáng, nắng ngày càng khó chịu. Chiến sĩ nhỏ nhất ở chốt là Nguyễn Minh Đức mới 20 tuổi, là dân quân thường trực thuộc Bộ CHQS quận 5, dùng một chiếc đũa tre để… gãi đầu.
Từ khi có dịch và từ ngày lên chốt, ngoài khẩu trang, kính chống giọt bắn, Đức còn phải mặc áo giáp, nón bảo hộ quân sự và giày nên chiếc đũa là “cánh tay nối dài” của em khi bị ngứa ngáy những chỗ không thể cho tay vào. Thêm nữa là bởi quân phục quá cồng kềnh, lượng xe liên tục đến nên Đức phải luôn thủ chiếc đũa trong túi!
Khác với Hiền và Phương đều có con nhỏ, Đức còn trẻ nên không đến nỗi ray rứt nhớ nhà. Thêm nữa, nhà em đang ở trong khu phong tỏa phường 1, quận 5 nên dù có muốn về, Đức cũng không có cách.
“Vậy ai, cái gì làm động lực cho em lúc khó khăn này?”, Đức buồn buồn đáp: “Ba em cũng làm thanh tra xây dựng quận 1, đang trực chiến cả tháng nay. Mẹ và ba chia tay lâu rồi nên em trực xong thì về đơn vị thôi à. Em chỉ mong nhanh chóng hết dịch, để Chi bộ làm lễ kết nạp Đảng cho em. Em khai lý lịch xong rồi, nghe nói xác minh rồi thì dịch đến nên 100% CBCS phải lên chốt!”.
Một thanh niên bận quần cụt, áo thun chạy xe Sirius gân cỗ cãi với Đức, bảo nhà ở đây. Khi hỏi địa chỉ, anh này không nêu cụ thể được và cũng không có giấy tờ minh chứng. Thấy chiến sĩ này còn trẻ, thanh niên sửng cồ, không ngờ Đức mạnh mẽ bắt quay xe, anh này lầm bầm rồi chạy ngược lại. Đức lắc đầu “nhiều người thiếu ý thức lắm anh!”.
Khoảng 11 giờ, một người dân gần đó cho chúng tôi mấy chai trà xanh ướp lạnh. Mang đến đặt trên barie, chị này quày quả vào trong, và món quà quý này được tiêu thụ ngay lập tức để chữa cơn khát cháy. UBND phường 10 nơi đặt chốt cũng mang ra bốn phần cơm.
Quan sát thì thấy ngoài cơm trắng, còn có chả trứng nướng, rau củ xào, canh, thanh long và nước suối trông thật ngon mắt. Hiền nói “ước gì ngày nào cũng có cơm nước đầy đủ và ngon như vậy”. Còn Phương thì bảo “về khử khuẩn tay chân, cơ thể rồi mới dám mở hộp cơm ra ăn”. Đã hơn hai giờ đứng liên tục, bốn anh em chúng tôi đều mỏi chân, mồ hôi ra ướt áo.
Tiếng còi hú của xe cấp cứu thật sự là nỗi ám ảnh nhất lúc này vì ngoài nghe, trên chốt còn tận thấy loại xe này chạy qua lại hàng trăm lượt.
Cũng rất dễ hiểu vì đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dọc theo hai chiều Đông và Tây của TP Hồ Chí Minh và trên tuyến này, xe cấp cứu đều có thể rẽ vào các bệnh viện lớn và các bệnh viện đang điều trị người nhiễm Covid-19 như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Bệnh viện quận 6,8,11,5, Bệnh viện Sài Gòn và nhiều bệnh viện dã chiến mới thiết lập.
Trên tuyến này chỉ trong đoạn qua quận 5, đang có Khu cách ly tập trung 292 Trần Phú, Khu cách ly tập trung THCS Lý Phong, Khu cách ly tập trung Họa Mi 1, Khu cách ly tập trung Trường TH Thực hành Sài Gòn, Khu cách ly tập trung Ký túc xá trường Sư phạm TDTT, Khu cách ly tập trung 314 Trần Phú là nơi thu dung hàng trăm F0.
Vì vậy, xe cấp cứu ám ảnh chúng tôi suốt. Riêng các chiến sĩ mỗi lần thấy xe này qua, đều nghiêm túc chào rồi đứng yên lặng một hồi. Họ buồn cho thành phố và lo lắng cho gia đình, đồng đội, người thân của họ.
Có thể xem con số như thế này để biết tình hình trong ngày 30/7: “Trong ngày, đã lấy 2.424 mẫu, phát hiện 275 ca dương tính”, tức hơn 10%.
Xe chở công nhân điện lực, xe chở lương thực, xe khử khuẩn lần lượt qua chốt. Nắng như thế mà Hiền vẫn nói là “còn đỡ”, bởi có ca gặp trời mưa, thì cả chốt đều ướt như chuột mà vẫn phải ra kiểm tra. Dù sao làm việc trong cái nóng khắc nghiệt còn đỡ vất vả hơn dầm mình trong mưa lạnh suốt 3 giờ.
Liên tục từ 11-12 giờ, nhiều xe phải quay đầu vì không có lý do hợp lý. Riêng xe chở hàng công nghệ và các anh chị shipper thì vẫn qua lại chốt. Họ đã thật sự thiếu thốn nên mới phải ra đường mưu sinh trong dịch bệnh.
Anh grab chạy xe… bị ngăn lại vì không gắn kính chiếu hậu, chạy nhanh hơn tốc độ cho phép. Khi Hiền hỏi vì sao, anh nói cũng định gắn mà quên. Hỏi sâu thêm mấy câu, anh thú nhận “Chưa có tiền, sao mua kính”. Hiền nhắc nhở rồi thở dài, phát tay cho qua, đôi mắt anh thật xa xăm.
Qua bốn lần dịch bùng phát, với mái tóc bạc trắng, Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ, nói: Quận 5 đã triển khai phát tiền, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng với 13.467 trường hợp, số tiền 21,2 tỷ đồng; hỗ trợ suất ăn cho 204.498 trường hợp, số tiền 17,6 tỷ đồng; hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch 58.023 trường hợp, số tiền 4,8 tỷ đồng; đồng thời quận đã bố trí 2 khách sạn trên địa bàn cho cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch có nhu cầu lưu trú tại quận 5 để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách.
Cuối ca rồi. Đồng hồ chỉ số 12, Đức, Hiền, Phương và tôi vào ghế ngồi trên vỉa hè thở lấy lại sức và tiếp nước. Nhà nhà đóng cửa san sát trên tuyến đường vốn sôi động nhất phía Nam. Hiền và Đức nói sẽ về đơn vị ăn cơm hộp được phát rồi ngủ để chiều lại lên chốt.
Không ai dám ngồi gần nhau và cũng không thể có chỗ nào để ngồi, Phương mở điện thoại ra. Chàng thượng úy trẻ này quê ở Bình Chánh, đang ở chung với ba mẹ và con anh đã hơn 3 tuổi, cái tuổi biết quấn quýt người thân. Đầu bên kia, giọng ngọng nghịu non nớt: “Ba ơi sao ba trực lâu quá không về”. Phương chu môi hôn con qua màn hình, và nói: “Ba lên chốt, con ở nhà ngoan nha. Ba về ba mua kẹo cho”. “Dạ!”