Từ năm 2021, qua nắm bắt tình hình và kiểm tra thực tế, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp xác định tình hình vi phạm tại khu vực Đồi Trại Vòng, xã Quang Sơn đã tồn tại từ nhiều năm trước.
Để tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài chưa có giải pháp xử lý dứt điểm là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan từ thành phố đến cơ sở.
Thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết xử lý dứt điểm.
Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, xây dựng các công trình trái phép tại khu vực mỏ đồi Ba Mào thuộc địa bàn xã Quang Sơn và xã Yên Sơn.
Phát triển Tam Điệp thành vùng kinh tế động lực phía tây nam Ninh Bình
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Đây là vụ việc có tính chất phức tạp liên quan nhiều tổ chức, cá nhân, quá trình kiểm tra, xử lý, giải quyết, Ủy ban nhân dân thành phố rất thận trọng, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ pháp lý và các bước quy trình giải quyết bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Căn cứ kết quả kiểm tra, ngày 13/12/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1827/QĐ-KPHQ về buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Thành phố Tam Điệp quyết liệt “xóa” các điểm "đen" vi phạm trật tự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. |
Sau khi hoàn thành công tác cưỡng chế, Ban cưỡng chế đã tiến hành lập biên bản bàn giao diện tích 5.700m2 (gồm 4.500m2 đất trồng cây lâu năm; 1.200m2 đất suối và đất giao thông) tại khu vực Đồi Trại Vòng, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao quản lý bảo đảm theo quy định.
Trước đó, một số công trình xây dựng trái phép tại khu vực chân Núi Vàng, thôn 1, xã Đông Sơn thuộc thẩm quyền của xã. Xác định là vụ việc tồn tại, phức tạp, kéo dài, Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Tổ công tác trực tiếp phối hợp, hướng dẫn xã thực hiện việc xử lý các công trình vi phạm theo quy định.
Ngày 2/7/2024, Ủy ban nhân dân xã Đông Sơn, Ban cưỡng chế đã tổ chức tiến hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 276/QĐ-CCXP và 277/QĐ-CCXP ngày 17/6/2024 cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp Tống Đức Thuận cho biết, xác định công tác quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp kiên trì, kiên quyết để “xóa” các điểm vi phạm trong trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố nhất là các điểm tồn tại từ nhiều năm trước (như vi phạm tại khu vực Đồi Trại Vòng, xã Quang Sơn, khu vực chân Núi Vàng, xã Đông Sơn) nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp sau khi cưỡng chế sẽ được trả lại đúng mục đích sử dụng. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp Tống Đức Thuận cho biết, sau các vụ việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm trên, Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời chỉ đạo tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo giao Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã trên địa bàn chủ động tự rà soát, xử lý tồn tại về vi phạm về trật tự xây dựng theo thẩm quyền, đối với vụ việc việc quá thẩm quyền báo cáo xin ý kiến lãnh đạo thành phố để chỉ đạo giải quyết.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình Phạm Ngọc Anh cho biết, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chú trọng, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; trong đó có nội dung quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình không hợp pháp trên đất nông nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện một số giải pháp đồng bộ để xử lý, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng, công khai rộng rãi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt đến chính quyền cơ sở, đến nhân dân để hiểu đúng, hiểu đủ từ đó thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa bàn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố trong công tác theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng đất đai, trật tự xây dựng để kịp thời nắm bắt, xử lý hành vi vi phạm khi hành vi vi phạm mới bắt đầu thực hiện, trước khi hoàn thành.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, nhiệm vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý về đất đai, xây dựng; kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lãnh đạo Ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức cấp xã để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Thường xuyên tổ chức việc rà soát, thống kê, báo cáo số lượng các công trình xây dựng trái phép, xây dựng vượt quá diện tích được phép, các trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp về quy mô, thời gian và mức độ vi phạm... để có hướng xử lý kịp thời.
Luật sư Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích theo quy định tại Điều 6 Luật đất đai 2013. Do đó việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là sai phạm. Và công trình được xây dựng sai thì sẽ bị cưỡng chế và không được đền bù do việc tạo lập công trình không có căn cứ pháp luật. Cá nhân không có quyền sử dụng đất nông nghiệp mà tự tiện xây nhà, trồng cây trên đất đã được giao cho tổ chức, cá nhân khác là vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của tổ chức, cá nhân được giao đất hợp pháp. Việc xây nhà, trồng cây không có căn cứ pháp luật, do đó không được pháp luật bảo vệ.