Khi mới thành lập vào năm 1982, đời sống của người dân thành phố Tam Điệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo chiếm gần 30%. Vượt lên vất vả, gian nan Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Tam Điệp luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trăn trở tìm tòi, sáng tạo đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp xây dựng thành phố ngày càng phát triển toàn diện.
Đến nay, Đảng bộ thành phố có 68 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với hơn 6.000 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng lên. Không gian đô thị được mở rộng, thành phố thành lập 3 phường mới, nâng tổng số lên 9 đơn vị hành chính. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được tăng cường; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư, nâng cấp, đưa Tam Điệp từ đô thị loại IV lên đô thị loại III. Năm 2017, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Sản xuất công nghiệp trở thành động lực chính; sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu đạt nhiều kết quả cao. Thu ngân sách tăng rõ nét. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ:100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% các khu dân cư có nhà văn hóa, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92,5%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn 0,53%, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng: “Thành phố Tam Điệp cần phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng của mình; đặc biệt là lợi thế về vị trí giao thông kết nối các vùng trong tỉnh, liên tỉnh; vị trí cửa ngõ quan trọng của Ninh Bình trong việc giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với vùng Bắc Trung Bộ. Quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ "nâu" sang "xanh", với động lực phát triển trong giai đoạn tới của Tam Điệp là công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; chế biến nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, cảnh quan để phát triển dịch vụ và du lịch.
Thành phố cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại như: Tăng cường xây dựng các công trình điểm nhấn, thiết chế văn hóa phục vụ phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ; đồng thời, quan tâm xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng về văn hóa, thể dục, thể thao cho nhân dân; nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Gắn chặt phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng thành phố Tam Điệp là khu vực phòng thủ vững chắc, phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía tây nam tỉnh Ninh Bình."