Tái hiện 3 lễ hội tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2024

NDO - Như thường lệ hằng năm, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm nhiều hoạt động mang đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc đầu xuân.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện 3 lễ hội tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2024

Năm nay, 3 lễ hội được tái hiện tại Ngày hội gồm lễ Trỉa lúa của người B’ru Vân Kiều, Lễ hội Nàng Hai của người Tày và Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm. Ngoài ra tại Ngày hội còn có trình diễn trò Xuân Phả của người dân Thanh Hóa.

Sự kiện tái hiện Lễ Trỉa lúa (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) của dân tộc B’ru Vân Kiều diễn ra vào 9 giờ 30 phút ngày 24/2 (tức thứ Bảy, ngày 15 tháng Giêng) tại Khu các làng dân tộc.

Đồng bào B’ru Vân Kiều chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở miền tây Quảng Bình, nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai triền miên. Mùa hè thì nắng gió lào khô nóng thổi rát da thịt trong khi mùa đông lại lạnh giá và rét mướt. Chính vì thế, đồng bào người Bru-Vân Kiều luôn phải du canh du cư, sống dựa vào tự nhiên, núi rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và trồng lúa. Hằng ngày họ phát, đốt, cốt, trỉa để có thể sinh tồn.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người B’ru Vân Kiều luôn sáng tạo và gìn giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ dựa trên các hoạt động thường ngày và tín ngưỡng tâm linh của họ. Trỉa lúa (lấp lỗ) là công đoạn cuối cùng của quy trình làm nương rẫy: từ chặt, đốt, cốt rồi đến trỉa.

Tuy nhiên, công đoạn này đã được người dân nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống được cất giữ kín đáo trong gùi ra, phải trỉa xuống đất để cầu mong các vị thần linh như thần trời, thần nước, thần núi, thần rừng gìn giữ và bảo hộ cho hạt giống được sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông khi đến mùa thu hoạch.

Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tày được trình diễn vào 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), tại Khu các làng dân tộc.

Đây là lễ hội tiêu biểu của dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng, thể hiện đầy đủ giá trị tâm linh truyền thống cũng như các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Tày tại địa phương. Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là Mẹ Trăng của người Tày ở Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi.

Lễ hội Nàng Hai của đồng bào Tày ở Cao Bằng được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba. Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên, là các con gái của Mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng ở trần gian. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người Tày phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên bà con luôn ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào Tày, thể hiện ước vọng của đồng bào vào lực lượng siêu nhiên với trí tưởng tượng phong phú, hình thức diễn xướng lễ độc đáo, đặc sắc.

Trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được trình diễn vào 9 giờ sáng Chủ nhật ngày 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tại sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc.

Trò Xuân Phả được xem không chỉ độc đáo, đặc sắc mà còn “độc nhất vô nhị” ở Thanh Hóa. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm được tái hiện vào 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tại làng dân tộc Chăm và quần thể tháp Chăm, Khu các làng dân tộc III.

Lễ hội Rija Nagar diễn ra vào 2 ngày chính. Nếu gọi theo con vật dâng cúng thì người Chăm nói: “ngày vào cúng con gà ngày ra cúng con dê”. Còn nếu, gọi theo tên các vị thần được thỉnh mời về để nhận lễ vật thì người Chăm nói: “ngày đầu tiên cúng các thần linh mới, ngày thứ hai cúng các thần linh cũ”. Tức là, ngày thứ nhất dâng lễ vật cho các vị thần linh đến từ thế giới Hồi giáo chỉ có các món ăn chay như chè, xôi và trái cây. Ngày thứ hai, dâng lễ vật cho các vị thần linh ảnh hưởng tín ngưỡng Ấn Độ giáo được thờ phượng trên các đền tháp với các món ăn mặn, người ta làm một con dê để tế thần và các vị anh hùng dân tộc.

Lễ hội Rija Nagar diễn ra trong thời điểm chuyển giao giữa mùa khô với mùa mưa như một hình thức cầu mưa. Đời sống người Chăm, gắn liền với các hoạt động nông nghiệp, với ruộng đồng từ nhiều đời nay. Do đó, lúc nào họ cũng khát khao cho khí trời thuận lòng người, cầu trời cho mưa rơi xuống, đất đai tươi tốt để có được vụ mùa bội thu.

Lễ hội Rija Nagar là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc làm cho không khí của năm mới tràn đầy phấn khởi và vui vẻ.

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra trong hai ngày 24 và 25/2, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Dự kiến có khoảng hơn 200 người tham gia, gồm đại diện 28 cộng đồng dân tộc, của 16 tỉnh, đồng thời huy động thêm đồng bào các dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng, dân tộc B’ru Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình, dân tộc Kinh, tỉnh Thanh Hóa và dân tộc Chăm Bà-la-môn, tỉnh Ninh Thuận.

Ngày hội có nhiều sự kiện, hoạt động như: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Chương trình “Du Xuân” giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết…