Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng, vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác nói chung. Lễ hội được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi. Sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ canh tác lạc hậu, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, những người nông dân miền núi luôn ước vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trải qua những biến cố lịch sử, hiện lễ hội này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tại xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An). Những ước vọng của người nông dân miền núi được gửi vào lực lượng siêu nhiên là "Mẹ Trăng".
Theo tín ngưỡng của người Tày, trên trời có “Mẹ Trăng” và 12 nàng tiên là con của "Mẹ Trăng", chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian. Lễ hội Nàng Hai có ý nghĩa là một tục lệ cầu mùa với các đêm hát xướng để mời các "Nàng Hai" - con gái của "Mẹ Trăng" ở trên trời xuống vui hội trần gian và giúp người dân trong công việc đồng áng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn nhà hạnh phúc...
Lễ hội là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp các hình thức múa, hát, nhạc trong không gian văn hóa của bản làng, phục vụ cho nghi lễ cầu phúc, cầu mùa. Lễ hội gồm ba phần: Lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Mỗi một phần nghi lễ có những lễ vật khác nhau.
Lễ hội Nàng Hai là lễ hội dân gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tín ngưỡng “thờ Mẫu” của người Việt; có giá trị về văn hóa, lịch sử sâu sắc. Việc công nhận các di sản văn hóa phi vật thể trong đó có Lễ hội Nàng Hai sẽ góp phần thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.