Tác giả trẻ cần đi tới tận cùng đam mê và trách nhiệm

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ hai năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giải thưởng mang đến những tín hiệu tốt về những bước khởi đầu trên con đường sáng tạo của các cây bút trẻ với tinh thần khích lệ, động viên cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả trẻ cần đi tới tận cùng đam mê và trách nhiệm

Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam là giải thưởng thường niên được trao cho những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm được sáng tác bởi những cây bút dưới 35 tuổi. Giải thưởng năm 2022 được trao cho ba tác giả: Lê Vũ Trường Giang với tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh), Trần Duy Bảo Khang (bút danh Vĩ Hạ) với tập thơ “Đi tìm những bóng người” (NXB Hội Nhà văn), Trần Đức Tín (bút danh Khét) với tác phẩm “Chín nhánh da vàng” (NXB Hội Nhà văn).

Trong báo cáo tổng kết giải thưởng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nhận định, nhìn trên tổng thể mặt bằng các tác phẩm tham dự xét giải, năm qua, tác phẩm của các cây bút trẻ độ tuổi dưới 35 về căn bản vẫn có những điểm nhấn, mà sự táo bạo hay tính độc đáo là nổi trội. Trong tổng số các tác phẩm gửi tới Ban Sáng tác của Hội để tham dự xét Giải thưởng Tác giả trẻ, thơ và văn xuôi chiếm số lượng áp đảo.

Ở ba tác phẩm đoạt giải, cách tiếp cận, nhìn nhận thời cuộc cũng như vấn đề xã hội đều mang dấu ấn cảm quan riêng, có cá tính riêng với sự sắc sảo, mẫn tiệp của người trẻ. Không dừng lại ở việc quan tâm phản ánh, phân tích hiện thực, những người viết trẻ đã mạnh dạn đặt hiện thực trong mối tương quan với lịch sử, văn hóa vùng miền, dân tộc. Mặt bằng sáng tác của các tác giả thể hiện sự vững vàng về kỹ thuật, khoáng đạt trong cách tiếp cận, mổ xẻ những vấn đề của xã hội đương thời với trách nhiệm công dân cũng như lương tri nghệ sĩ của người sáng tác.

Lê Vũ Trường Giang, tác giả tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” đoạt giải ở thể loại văn xuôi, sinh năm 1988, Tiến sĩ ngành Lịch sử thế giới, hiện sinh sống và làm việc tại Huế. Tác phẩm như một khẳng định về nỗ lực của tác giả trên hành trình tìm lại phế tích của lịch sử, văn hóa các vùng đất đi qua - những phế tích không còn hình dạng, chỉ còn lưu lại đây đó qua vài trang sử liệu hay đôi chút ký ức sớm đã phai màu.

Chọn viết về phế tích, nhà văn trẻ đã tạo được dấu ấn riêng khi khắc họa chân dung, thân phận những con người vô danh, những ước mơ bất tận và sự soi chiếu lịch sử, văn hóa từ chiều ngược lại với hiện tại. Với lợi thế của một người học sử, nghiên cứu sử, lại là sử thế giới, Lê Vũ Trường Giang soi vào sử Việt, sử Huế, sử chính ngôi làng của mình, cùng nỗi khao khát dịch chuyển, khám phá để tạo ra được sức nặng và dư âm trong sáng tác. Ăm ắp ý tưởng, đặt mình vào nhân vật lịch sử có thật lẫn không thật, có tên lẫn không tên, trung đại lẫn cận đại... để diễn đạt những biến thiên thời cuộc là một lựa chọn đầy thách thức trong niềm đau đáu và trách nhiệm...

Với tập thơ đầu tay “Đi tìm những bóng người”, tác giả Vĩ Hạ (sinh năm 2004, hiện là sinh viên Khoa Ngữ văn của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong hai tác giả đoạt giải ở lĩnh vực thơ. Tập thơ gồm 35 bài với giọng thơ bản năng, thô mộc đã gợi ra được những hình dung, ám ảnh nhất định. Bén duyên với thơ, thể hiện vào thơ bằng nỗi niềm cá nhân đầy khắc khoải, ưu tư, thế giới thơ của Vĩ Hạ còn như một sự vượt thoát của tấc lòng vẫy vùng giữa chênh vênh cuộc sống. Từ trong những nỗi niềm riêng mình, điểm lấp lánh ở sáng tác của tác giả trẻ này là ánh sáng, sức sống gọi mời sự đồng cảm và chia sẻ.

“Chín nhánh da vàng” là tập thơ thứ tư của tác giả Trần Đức Tín (sinh năm 1989 tại Cà Mau) cùng đoạt giải thưởng ở lĩnh vực thơ. Anh mang đến giọng thơ khá mới lạ, có tính trải nghiệm riêng cùng nỗ lực tìm tòi trên hành trình chữ nghĩa. Tập thơ mang màu sắc, hương vị, nhịp điệu của hạt phù sa sông nước Cửu Long, nơi từng hạt phù sa ấy thấm vào manh áo lưu dân, lặn vào hạt thóc, vào máu thịt, lời ăn tiếng nói... Mỗi tiếng thơ cất lên như hơi thở mặn mòi trên cánh đồng mênh mông, da diết: “Sao mà cay mắt/sao mà mặn lòng/tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong”.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều nhận định, Giải thưởng dành cho các tác giả trẻ hôm nay là một sự khởi đầu, còn con đường sáng tạo luôn luôn ở phía trước, luôn luôn ở phía ngày mai. Mỗi thế hệ mang một giọng nói khác biệt trong sự sáng tạo, trong nghệ thuật. Các nhà văn trẻ có thể thay đổi thi pháp, đề tài, tâm trạng… nhưng có một thứ không thể thay đổi, đó là lương tri của con người, như câu hỏi đặt ra tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, năm 2022 vừa qua: Vì sao chúng ta viết? Điều quan trọng nhất chính là mỗi tác giả trẻ cần đi tới tận cùng đam mê và trách nhiệm nghệ sĩ của mình.