Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội

NDO - Ngày 13/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội ở Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội ở Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội ở Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia “Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam: thực trạng, những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam: thực trạng, những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách” cho biết, thế giới và Việt Nam đã bước qua giai đoạn đại dịch Covid-19 khủng khiếp, nhưng cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều, từ thói quen đến hành vi giao tiếp, các vấn đề xã hội đương đại. Những thay đổi này vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các quốc gia trong quản trị xã hội thích ứng với bối cảnh mới hậu đại dịch.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề thị trường lao động ở Việt nam. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng từ 2,34% (quý I/2020) lên 2,85% (quý II/2020), cao nhất vào quý III/2021 với 3,98%, sau đó giảm dần và ở mức 2,25-2,30% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Những địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động tập trung ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang.

“Những tháng gần đây, thị trường lao động việc làm có xu hướng phục hồi, nhưng tốc độ chậm lại. Thu nhập đầu người và đói nghèo có xu hướng gia tăng. Nguy cơ thiếu lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo đang là xu hướng nổi cộm do cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh chóng sau đại dịch”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng (tháng 1/2021-6/2022); 16.000 giáo viên xin nghỉ việc trong năm 2022 đặt ra nhiều vấn đề về chính sách đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân tài trong các công sở nhà nước.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội ảnh 2
Chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục thể hiện ở nhiều khía cạnh về sức khỏe học sinh; khả năng tiếp nhận tri thức của học sinh, sinh viên; thay đổi hình thức giảng dạy; nguy cơ khủng hoảng tiềm ẩn đối với thế hệ học sinh, sinh viên… Các tác động này đặt ra nhiều nhiệm vụ và thách thức nặng nề đối với nhà trường, gia đình và toàn xã hội, không dễ gì giải quyết và thích nghi trong giai đoạn ngắn.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá các tác động của đại dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực xã hội như lao động-việc làm, giáo dục-đào tạo, y tế-chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác.

Đây là những vấn đề nổi cộm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã diễn ra ở Việt Nam và đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh thời kỳ hậu Covid-19. Qua đó, cần đưa ra những chính sách phù hợp tình hình mới.