Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết, trên cơ sở báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn về công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc rà soát, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn tiến hành làm việc, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hiện trường diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng quản lý thì tổng diện tích rừng bị suy giảm là 397,11 ha; trong đó, Trung tâm lập hồ sơ, chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn để xác minh, cập nhật là 308,698 ha.
Trong vụ phá rừng năm 2021 thuộc lâm phận do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng quản lý, khi phát hiện vẫn còn hàng chục m3 gỗ tại hiện trường. |
Kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy, một số diện tích rừng bị biến động theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng và tại biên bản kiểm tra xác minh giữa Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, Trung tâm và Ủy ban nhân dân xã Krông Na không thể hiện số hiệu lô; chỉ kiểm tra một điểm toạ độ; chưa xác định rõ nguyên nhân diễn biến theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, diện tích báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng thấp hơn diện tích cập nhật của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn là 83,772 ha. Theo lý giải của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng, nguyên nhân chênh lệch là do Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật đối với diện tích biến động của kết quả rà soát, đã được đoàn liên ngành kiểm tra tại khu vực khảo sát lập Dự án Duy Khang Nguyên, Bảo Ân; trong thành phần đoàn kiểm tra đã có Hạt Kiểm lâm nên Trung tâm không báo cáo đối với diện tích này.
Một diện tích lớn rừng bị triệt hạ. |
Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng thì Trung tâm đang tiếp tục chỉ đạo Phòng kỹ thuật tiến hành rà soát diện tích rừng bị giảm để báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật theo quy định; dự kiến diện tích rà soát giảm khoảng gần 500 ha. Tuy nhiên, do không có kinh phí, đơn vị tự rà soát, nhân lực mỏng nên dự kiến thời gian thực hiện xong trong quý II/2024.
Còn theo hồ sơ xác minh, cập nhật diễn biến rừng trong năm 2023 và kết quả lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm về lâm nghiệp của Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn cho thấy, trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã xác minh, cập nhật diện tích rừng tự nhiên bị giảm tại Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng là 397,11 ha, gồm 4,64 ha do phá rừng và 392,47 ha do nguyên nhân khác; trong đó 308,698 ha được xác minh, cập nhật theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng; 83,772 ha theo biên bản phúc tra hiện trạng rừng khu vực khảo sát lập Dự án Duy Khang Nguyên và Dự án Bảo Ân.
Kết quả kiểm tra hồ sơ tại Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho thấy, toàn bộ diện tích rừng bị phá là 4,64 ha đã được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng chuyển Hạt Kiểm lâm huyện lập hồ sơ xử lý, cập nhật theo quy định. Tại các biên bản xác minh diện tích rừng bị giảm do nguyên nhân khác là 392,47 ha, một số diện tích không thể hiện số hiệu lô; chỉ kiểm tra 1 điểm toạ độ trong lô; chưa xác định rõ nguyên nhân diễn biến theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không có hồ sơ xử lý vi phạm về lâm nghiệp, đất đai… kèm theo.
Trong đó nhiều cây rừng có đường kính lớn cũng bị triệt hạ. |
Trong diện tích 392,47 ha được cập nhật do nguyên nhân khác, có 25,56 ha đã được Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cập nhật diễn biến rừng năm 2022 với loại đất, loại rừng sau diễn biến là đất có rừng tự nhiên 23,28 ha và đất đã trồng rừng 2,28 ha. Hạt Kiểm lâm huyện đã lập hồ sơ xử lý Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng một vụ về vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng.
Ngoài ra, qua kiểm tra bản đồ theo dõi diễn biến rừng của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng nhận thấy, một số lô đã bị mất, không có dữ liệu không gian nên tổng diện tích tự nhiên của Trung tâm giảm so với thực tế.
Mặc dù ngay khu vực phá rừng được phát hiện trong năm 2021 có treo bảng cấm phá rừng, khai thác gỗ. |
Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng và kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2023 của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, kiểm tra thực tế hiện trường 16 lô đã được cập nhật, nhận thấy 16 lô cập nhật từ “đất có rừng” thành “đất không có rừng” phù hợp với thực tế. Hiện trạng các lô kiểm tra vẫn còn các gốc cây gỗ mục, cháy xém, có đường kính từ 10 đến 30 cm.
Quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng
Ngoài ra, kiểm tra thực tế có 2 vị trí có biến động đã được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng rà soát trên ảnh vệ tinh, nhưng chưa báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện xác minh, cập nhật theo quy định.
Rừng tự nhiên thuộc lâm phận do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk quản lý trong mùa khô năm 2024. |
Từ kết quả kiểm tra nêu trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị biến động; đặc biệt, đối với diện tích 25,56 ha đã được cập nhật năm 2022 là đất có rừng tự nhiên 23,28 ha và đất đã trồng rừng 2,28 ha, nhưng năm 2023 cập nhật bị biến động theo nguyên nhân khác.
Tiếp tục rà soát diện tích rừng bị biến động trên địa bàn quản lý, trong đó có các lô bị mất dữ liệu không gian, báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn kiểm tra, xác minh cập nhật theo quy định và hoàn thành trong quý II/2024.
Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để diện tích rừng bị giảm 397,11 ha. Đồng thời tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn hướng dẫn Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng thực hiện chế độ báo cáo, thiết lập hồ sơ diễn biến rừng đúng, đầy đủ theo quy định. Xử lý vi phạm đối với chủ rừng không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền khi có biến động về diện tích rừng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và các quy định liên quan.
Phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh toàn bộ diện tích rừng bị biến động để xác định rõ nguyên nhân diễn biến rừng. Kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị biến động; đặc biệt đối với diện tích 25,56 ha đã được cập nhật năm 2022 là đất có rừng tự nhiên 23,28 ha và đất đã trồng rừng 2,28 ha, nhưng năm 2023 cập nhật bị biến động theo nguyên nhân khác.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc xác minh, cập nhật diễn biến chưa chính xác, không làm rõ nguyên nhân đối với diện tích rừng bị giảm 392,47 ha; trong đó có diện tích 25,56 ha đã được cập nhật năm 2022 là đất có rừng tự nhiên 23,28 ha và đất đã trồng rừng 2,28 ha, nhưng năm 2023 cập nhật bị biến động theo nguyên nhân khác…
Trụ sở làm việc của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng được thành lập theo Quyết định số 3138/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Bảo tồn voi và Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Hiện nay, trung tâm quản lý, bảo vệ với tổng diện tích tự nhiên là 10.426,65 ha gồm 16 tiểu khu nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tiếp giáp với hai huyện Ea Súp và Cư M’gar, có đường Quốc lộ 29C chạy qua, giao thông đi lại thuận lợi nên dễ bị bên ngoài tác động vào rừng. Hiện trạng rừng chủ yếu là rừng tự nhiên núi đất lá rộng.
Trong những năm qua, tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất thuộc lâm phận do Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng quản lý diễn biến phức tạp, nhưng chưa được ngăn chặn triệt để. Vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đã để hàng trăm ha rừng ở đây bị suy giảm. Trên cơ sở đó, cần có hình thức xử lý thích đáng và đề ra giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.