Cùng suy ngẫm

Quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích rừng của cả nước là khoảng 14,74 triệu ha, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất, cung cấp hơn 20 triệu m3 nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ… Tuy nhiên, trong số diện tích rừng sản xuất hiện nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn mới chỉ đạt khoảng 440.000 ha (chiếm hơn 10%).
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam sẽ có 6 vùng trồng tập trung 500 nghìn ha rừng mới. (Ảnh: VGP)
Việt Nam sẽ có 6 vùng trồng tập trung 500 nghìn ha rừng mới. (Ảnh: VGP)

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để cung ứng bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng và gia tăng giá trị xuất khẩu hơn nữa, ngành lâm nghiệp và các địa phương phải tích cực đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu. Các chứng chỉ cho diện tích rừng gỗ lớn chính là trụ đỡ quan trọng cho ngành sản xuất, chế biến gỗ, qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu, chinh phục các thị trường tiềm năng, tiến tới giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam có hai loại chứng chỉ rừng.

Đó là, hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ FSC của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam đã đạt cả hai loại chứng chỉ nêu trên là gần 500.000 ha, đạt hơn 90% mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Với mục tiêu quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo đối với người làm nghề rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tổ chức cấp chứng chỉ cho 1 triệu ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030”, đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500 nghìn ha và phát triển mới giai đoạn 2024-2030 khoảng 450 nghìn đến 550 nghìn ha. Đây là đòi hỏi cao, cần sự nỗ lực lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập nhanh, sâu rộng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Thách thức hiện nay là nước ta đang trong quá trình hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhằm bảo đảm quyền sử dụng đất của các chủ rừng không bị thu hồi hoặc phải chuyển quyền sử dụng đất trong thời gian tham gia quá trình quản lý rừng bền vững.

Tại nhiều địa phương, việc giao quyền sử dụng rừng và đất rừng cho các chủ rừng còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến trình cấp chứng chỉ rừng. Cùng với đó, nguồn kinh phí cung cấp cho các hoạt động duy trì chứng chỉ rừng cũng khó khăn, nhất là các tổ chức, cá nhân có diện tích cấp chứng chỉ là rừng tự nhiên không được khai thác.

Do vậy, để nhanh chóng bù lấp sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ, không có giải pháp nào tốt hơn là phát triển rừng sản xuất có chất lượng cao, rừng có chứng chỉ bền vững do các tổ chức quốc tế và trong nước có thẩm quyền cấp.

Để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng phương án phát triển hợp tác với người trồng rừng theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các địa phương. Ðây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.