Suối khoáng nóng, “món quà” từ lòng đất còn bỏ ngỏ

NDO -

NDĐT - Nước khoáng nóng có giá trị đặc biệt với đời sống con người. Từ xa xưa, loài người đã biết đến những ứng dụng của suối khoáng nóng phục vụ cuộc sống. Ở Phú Yên, các nguồn nước khoáng nóng được thiên nhiên ban tặng có nhiệt độ từ 50 đến 70 độ C, rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ và nghỉ dưỡng. Thế nhưng, đến nay nguồn tài nguyên quý giá, phong phú này vẫn chưa được địa phương khai thác theo hướng hiện đại, biến nó thành sản phẩm hữu ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và y học.

Chuyên gia Hungary khảo sát các nguồn suối khoáng nóng ở Phú Yên.
Chuyên gia Hungary khảo sát các nguồn suối khoáng nóng ở Phú Yên.

Thuộc vùng duyên dải miền trung, Phú Yên có năm điểm mỏ nước khoáng nóng, trong đó có ba điểm được người Pháp điều tra sơ bộ từ những thập niên đầu thế kỷ XX và hai điểm mới phát lộ. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, nếu khai thác hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch văn hóa kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái. Các điểm mỏ nước khoáng nóng ở Phú Yên chủ yếu là lộ thiên, thường nguồn nước chảy ra từ các khe nứt của các khối đá dưới dạng mạch trào với áp lực yếu. Trừ điểm mỏ nước khoáng nóng Phú Sen ở huyện Phú Hòa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp phép khai thác với trữ lượng 1.555m3/ngày, các mỏ suối khoáng nóng còn lại vẫn còn hoang sơ, chưa được đầu tư, chưa có điều tra cơ bản về địa chất để có cơ sở đánh giá tiềm năng khai thác.

Ông Nguyễn Văn Đức, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước duyên hải miền trung cho biết: “Vấn đề đánh giá nước khoáng của Phú Yên xuất hiện cũng như cả Việt Nam hiện nay là rất khó. Nguồn chung của suối khoáng hiện hay, chúng tôi đánh giá nó ảnh hưởng bởi một đới nứt gãy của biển Đông kéo dọc theo bắc nam”.

Nhận định ban đầu của các chuyên gia Hungary và Việt Nam, nguồn nước khoáng nóng ở Phú Yên đều có nhiệt độ tương đối cao, có điểm mỏ lên đến 70 độ C; các chỉ tiêu hóa lý nằm trong giới hạn cho phép đóng chai và có thể khai thác làm dịch vụ xông, tắm, chữa bệnh theo mô hình du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Mihaly Krampek, Cố vấn Hiệp hội tắm khoáng nóng Hungary: “Tiềm năng suối khoáng nóng của Phú Yên rất dồi dào. Phải nói tỉnh rất giàu tiềm năng phát triển du lịch, trong đó không thể không nhắc đến các nguồn suối khoáng nóng. Chúng tôi cho rằng, muốn khơi dậy tiềm năng này trở thành nguồn lợi phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tiên là phải điều tra các nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn. Tiếp đó là điều tra đánh giá thành phần hóa học, tác dụng của nước. Từ cơ sở này, có thể xác định cho mục đích điều trị dưỡng bệnh hay là một trung tâm spa, thể thao du lịch nước nóng”.

Ông Lê Quốc Thu, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tỉnh Tuyên Quang chúng tôi, thứ nhất là Phú Yên phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để mời gọi thu hút các nhà đầu tư; trong đó có hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và hệ thống thông tin liên lạc. Thứ hai, chính quyền địa phương phải liên kết với các công ty du lịch để xây dựng cơ sở vật chất thu hút khách du lịch. Khi các nhà đầu tư đầu tư vào khu du lịch rồi, thì chính quyền địa phương phải tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết về du lịch cho nhân dân để họ cùng chung tay với các doanh nghiệp phát triển du lịch. Đối với các công ty lữ hành, cần phải có công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với du khách của cả nước; giới thiệu với các đơn vị chuyên về hoạt động lữ hành để bán các tua, trên cơ đó thu hút khách du lịch vào các khu du lịch suối khoáng của tỉnh Phú Yên”.

Suối khoáng nóng, “món quà” từ lòng đất còn bỏ ngỏ ảnh 1

Hội thảo Quốc tế định hướng, khai thác các nguồn nước khoáng nóng ở Phú Yên.

Ở Hungary có những bệnh viện lâu đời chuyên trị liệu bệnh thấp khớp bằng phương pháp tắm suối khoáng nóng; các khu nghỉ dưỡng công viên nước chăm sóc sức khỏe và tắm khoáng trị liệu hình thành các tour trọn gói vừa kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch với trị liệu bằng khoáng nóng đem lại nguồn thu đáng kể cho GDP quốc gia. Bằng kinh nghiệm thực tế của một nước khai thác hiệu quả nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên hàng đầu thế giới này, các chuyên gia Hunggary khuyến cáo, sau khi có kết quả phân tích nguồn nước, nhà chuyên môn và chính quyền địa phương cần đưa ra định hướng mục tiêu, phương án hợp lý cho từng nguồn suối khoáng. Chính quyền thực hiện quy hoạch cho từng vùng suối khoáng nóng. Khi có được định hướng và phương án mới kêu gọi đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đức, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước duyên hải miền trung cho biết thêm: “Tính về số lượng thì Phú Yên có nhiều điểm khoáng nóng (năm điểm). Về trữ lượng thì hiện nay chỉ có mỗi điểm Phú Sen là được thăm dò, đánh giá ở cấp B, còn các nguồn khác chỉ mới ở nguồn tự nhiên xuất lộ chứ chưa được đánh giá chi tiết, nhưng theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi thì tương đối dồi dào. Về chất lượng nguồn nước thì qua các công tác điều tra từ trước đến nay, rất nhiều thời kỳ thì nước khoáng ở Phú Yên chất lượng tương đối tốt. Chỉ có duy nhất là hàm lượng flo tương đối cao. Nếu sử dụng cho sinh hoạt thì cần phải xử lý flo. Còn các chỉ tiêu khác đều năm trong giới hạn cho phép. Theo quy định của Việt Nam thì tất cả năm nguồn suối khoáng của Phú Yên thì đều là nước khoáng flo, silic và có nhiệt độ cao”. “Tôi muốn khuyến cáo các bạn trong vấn đề quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tránh những sai lầm mà Hungary đã từng mắc phải. Đó là không lường hết sự phát triển trong tương lai, dẫn đến đầu tư xé lẻ, phá vỡ quy hoạch. Một vấn đề quan trọng khác là đầu tư hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường”, Ông Mihaly Krampek, Cố vấn Hiệp hội tắm khoáng nóng Hungary nói.

Tại Việt Nam, nhiều nguồn suối khoáng nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Đối với tỉnh Phú Yên, trong điều kiện cơ sở hạ tầng vừa yếu, vừa thiếu, nhiều địa phương chưa thể xúc tiến kêu gọi đầu tư. Gần đây, một số nhà đầu tư đặt vấn đề triển khai dự án tại một số điểm suối khoáng nước nóng; trong đó có suối nước nóng Triêm Đức ở huyện miền núi Đồng Xuân, địa bàn có nhiều di tích lịch sử cách mạng nằm gần kề với thắng cảnh thiên nhiên. Đây là tín hiệu vui, vì khi du lịch phát triển sẽ góp phần thay đổi diện mạo ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Đối với nước khoáng Triêm Đức, hiện nay đã được tỉnh quan tâm. Trong năm 2019, sẽ đầu tư tuyến đường từ thị trấn La Hai lên suối nước nóng này dài khoảng 6km, tổng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng trong danh mục đầu tư công. Tuy nhiên, suối nóng Triêm Đức cũng như Trà Ô còn nhiều khó khăn nhất định, rất cần sự quan tâm. Riêng đối với điểm Trà Ô, cần tỉnh đầu tư một cây cầu vì nằm bên kia dòng sông Cô, mới tạo thuận lợi cho du khách qua lại để thưởng thức. Hiện nay có ba đến bốn nhà đầu tư đang xin tỉnh để đầu tư vào các khu vực này thành khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm suối khoáng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa chọn nhà đầu tư nào. Huyện mong muốn, tỉnh lựa chọn một nhà đầu tư có tiềm năng, đặc biệt là về tài chính. Khi vào đầu tư phải nhanh chóng, tránh tình trạng chọn điểm đó rồi kéo dài thời gian, gây khó khăn cho những nhà đầu tư thật tâm muốn đầu tư tại điểm du lịch này”.

Theo Ông Nguyễn Văn Đức, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước duyên hải miền trung: “Trữ lượng khai thác của Phú Yên hiện nay đánh giá rất khó, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nước khoáng Phú Yên có hàm lượng flo tương đối cao. Nên khai thác tốt nhất là mô hình hỗn hợp, phục vụ cho tắm, nghỉ dưỡng, du lịch. Mô hình này là rất hay và hiệu quả bởi vì nguồn nhiệt tương đối cao, một số yếu số về thành phần hóa học có tác dụng chữa bệnh, điều trị. Tôi cho rằng, nếu thực hiện được mô hình này thì rất chi là hay. Mô hình đó hiện nay được sử dụng ở rất nhiều tỉnh, đặc biệt là ở Khánh Hòa”.

“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ Phú Yên có được những khu dân cư hiện đại có những trung tâm khoáng nóng. Và sẽ hỗ trợ Phú Yên kết nối, kết nghĩa với một tỉnh ở Hungary có tiềm năng giống Phú Yên. Với môt tương lai đẹp sắp tới, sẽ thực hiện các kế hoạch cụ thể hơn mà chúng ta đã đặt ra”, Ngài Ori Casba, Đại sứ Hungary tại Việt Nam nói.

Dù nguồn suối khoáng nóng tại Phú Yên dồi dào và phân bổ đồng đều ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng mới chỉ có suối khoáng nóng Phú Sen ở huyện Phú Hòa là được tỉnh quy hoạch, đưa vào chương trình khai thác kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Suối nước khoáng Phú Sen được quy hoạch nằm trong không gian du lịch Sông Hinh và phụ cận bao gồm toàn bộ các huyện Sông Hinh, Tây Hòa và một phần của hai huyện Sơn Hòa, Phú Hòa. Các sản phẩm du lịch chủ yếu gắn với nhân văn, tự nhiên; trong đó có du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh sử dụng các nguồn nước khoáng nóng. Trước mắt, khu vực Phú Sen đã hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố thuận lợi cho đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe.

Theo đánh giá của chuyên gia Hungary, các nguồn suối khoáng nóng ở Phú Yên là tài nguyên có sức hấp dẫn đáng kể, có giá trị chữa bệnh, là tiền đề tốt để xây dựng các khu phức hợp tắm khoáng hiện đại. Là quốc gia có nhiều lợi thế so với các nước trên thế giới về khai thác khoáng nóng, Hungary sẵn sàng hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên phát huy tiềm năng, lợi thế. Và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực suối khoáng nóng mới đây chính là một phương pháp tiếp cận mới giúp Phú Yên khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trong tương lai không xa.