Xem xét là Di tích quốc gia đặc biệt
Di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm thuộc thôn Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Mái đá có dạng hàm ếch, cao hơn mặt đường dân sinh hiện tại khoảng 30m.
Đứng dưới mái đá, cao hơn mực nước mùa tháng ba khoảng 40m, có thể nhìn thẳng tới một đoạn sông Thần Sa chảy qua sông Cầu. Diện tích bề mặt mái đá còn vết tích tầng văn hóa rộng khoảng gần 1.000 mét vuông.
Mái đá Ngườm được phát hiện tháng 3/1980. Từ đó đến nay đã qua bốn cuộc khai quật khảo cổ học ở đây trong các năm 1981, 1982, 1985, 2017.
Các kết quả khai quật xác định đây là nơi chế tác công cụ - một “di chỉ xưởng” có ý nghĩa lớn chẳng những với nghiên cứu thời tiền sử Việt Nam mà còn có thể nghiên cứu so sánh với các di chỉ cùng hoặc gần niên đại khác trong khu vực và trên thế giới.
Hội thảo khoa học từ năm 1982 ở Thái Nguyên đã xác lập thuật ngữ “Kỹ nghệ Ngườm” trong chế tác công cụ đá của người cổ đại. Các kết quả khai quật khảo cổ học đã cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu để hiểu sâu hơn về kỹ nghệ chế tác đá cổ đại không chỉ ở Việt Nam mà còn trong phạm vi Đông Nam Á.
Năm 2024, Bảo tàng Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp khai quật di chỉ Mái đá Ngườm lần thứ năm nhằm nghiên cứu làm rõ thêm đặc trưng của loại hình di vật đá trong khoảng 41.500 năm đến 22.500 năm cách ngày nay và xác định các loài động vật được săn bắt, hái lượm còn dấu vết trong tầng văn hóa để tìm hiểu sự thay đổi về hành vi sử dụng thức ăn của người cổ đại.
Hạch cuội có vết chế tác. |
Các loại hình hiện vật trong hố khai quật bao gồm một số nhóm loại hình công cụ hạch cuội, công cụ mảnh tu chỉnh, mảnh tước, mảnh tách, công cụ xương cùng với một số hạch cuội nguyên liệu đã được phát hiện trong tầng văn hóa. Trong lần khai quật này, một số bằng chứng về phương pháp chế tác lần đầu tiên được phát hiện tại mái đá Ngườm.
Phát hiện này đã cung cấp những nhận thức mới, quan trọng đối với nghiên cứu quá trình tiến hóa của các phương pháp và kỹ thuật chế tác đá trong thời đại Đá cũ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Đây cũng là di tích đầu tiên thuộc thời đại Đá cũ ở Việt Nam ghi nhận các kỹ thuật chế tác đá đặc sắc như vậy. Cho đến nay, đây cũng là địa điểm mái đá/hang động phát hiện các bằng chứng sớm nhất về quá trình cư trú, chế tác và sử dụng các công cụ đá có niên đại sớm nhất ở Việt Nam - từ 41.500 cách ngày nay và còn có thể xa hơn.
Công cụ mảnh có niên đại 41.500 năm. |
Mái đá Ngườm là địa điểm đã được phát hiện và nghiên cứu sớm. Di chỉ này và các di chỉ khảo cổ học khác tương đối cận kề nằm trong không gian cổ địa lý - địa chất tương đồng thuộc kỷ Devon (niên đại từ 420-390 triệu năm), tương ứng địa giới hành chính thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) và huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) ngày nay.
Trong khu vực đã có gần 40 di tích hang động/mái đá có những đặc điểm tương đồng về hành vi sử dụng công cụ mảnh tước tu chỉnh tương đương/giống với kỹ nghệ Ngườm đã được phát hiện và nghiên cứu.
Cũng đã có nhiều phát hiện hóa thạch động vật biển trong các hang động, mái đá hoặc trên vách đá/đồi. Khu vực này vừa chứa đựng hệ thống các di chỉ vừa có tính nối bật toàn cầu về khảo cổ học đồng thời hội tụ nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về cổ địa lý - địa chất ở miền bắc Việt Nam.
Khẳng định và bảo vệ những giá trị nhiều mặt
Các kết quả nghiên cứu từ những năm trước và kết quả cuộc khai quật gần đây nhất cho thấy khu vực huyện Võ Nhai có mật độ di tích khảo cổ học tiền sử khá cao. Tại Thần sa, bên cạnh mái đá Ngườm còn có nhiều di chỉ khảo cổ học khác có sự tương đồng về phương pháp và kỹ thuật chế tác đá giống mái đá Ngườm.
Ngoài các hang có giá trị nghiên cứu về khảo cổ học hay cổ khí hậu thì tại khu vực này còn có nhiều hang động có cảnh quan độc đáo có thể kết hợp khai thác để phát triển du lịch văn hóa - sinh thái bền vững.
Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Mái đá Ngườm. |
Tại Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Mái đá Ngườm tại xã Thần Sa ngày 12/4, TS Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc khai quật năm 2024, cho biết: “Mái đá Ngườm mang lại những nhận thức hoàn toàn mới đối với khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Di chỉ này chứa đựng những giá trị mang tầm khu vực trong nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Việt Nam và châu Á. Trong tương lai nếu tiếp tục mở rộng khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại mái đá Ngườm có thể hy vọng phát hiện thêm di cốt người cổ ở giai đoạn sớm trên 41.500 năm cách ngày nay thì những đóng góp của Mái đá Ngườm vào tri thức khảo cổ học khu vực và thế giới sẽ càng trở nên nổi bật hơn”.
Tuy nhiên, đồng thời với việc cần tiếp tục mở rộng và nghiên cứu sâu hơn để làm đậm nét những giá trị nhiều mặt của di tích, đồng thời cũng đặt ra vấn đề bảo vệ hiện trạng di tích để khách du lịch đến tham quan di tích không xuống hố khai quật thắp hương làm cho cảnh quan di tích mất đi nguyên trạng.