Di tích thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Luy Lâu xưa từ đầu thời bắc thuộc vốn là trị sở của quận Giao Chỉ. Đây không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại đồng thời là trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất Việt Nam.
Đợt khai quật thứ hai, năm 2015, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản). Cuộc khai quật đã mở rộng phạm vi nghiên cứu về dấu tích của thành nội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vị trí đã phát hiện: Dấu tích tường thành nội phía đông, cổng thành phía bắc. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng mở rộng phạm vi hố đào nghiên cứu về khu vực phát hiện khuôn đúc trống đồng. Những kết quả thu được đã bổ sung thêm các nhận thức mới về quy mô, hình dạng và diễn biến địa tầng của khu vực thành nội cũng như xác định trật tự niên đại trong địa tầng các hố khai quật. Tại các hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã thu được số lượng lớn hiện vật là vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt có niên đại từ thế kỷ 1 trước công nguyên đến thế kỷ 14 sau công nguyên. Những vật gia dụng (đồ gốm, dấu tích của bếp) và vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đầu ngói ống...) chứng minh quá trình cư trú liên tục, lâu dài của cư dân tại khu vực này và khẳng định đây là một trung tâm định cư có quy mô lớn.
Điều đặc biệt của đợt khai quật là đã thu được tới trên 900 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4. Các mảnh khuôn đúc được phát hiện nằm trong địa tầng ổn định, cùng các nồi nấu đồng và mảnh khuôn nằm rải rác trong các hố thám sát và khai quật cho thấy, khu vực thành Luy Lâu có thể đã từng là một công xưởng luyện kim đúc đồng quy mô lớn. Những phát hiện khuôn đúc trống đồng năm 2015 bổ sung thêm cho kết quả khai quật năm 2014 đã khẳng định chắc chắn hơn tính bản địa của trống đồng, Những mảnh khuôn đúc tưởng như vô tri cũng chứng minh rõ rệt sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn. Mạch văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục chảy mạnh mẽ cả trong thời kỳ bắc thuộc.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Dự án phối hợp khai quật và nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) kéo dài năm năm, bắt đầu từ năm 2014. Các cuộc khai quật tiếp theo trong tương lai sẽ mở rộng quy mô thám sát và nghiên cứu để bổ sung thêm những nhận thức mới về sự tồn tại, cũng như phác dựng được quy mô, phân bố các công trình... Những kết qủa đó sẽ vẽ rõ nét hơn diện mạo của khu vực thành cổ Luy Lâu”.
Tuy nhiên, dù đang mang những giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa, dù cũng đã có sự quan tâm bảo vệ nhưng thành cổ Luy Lâu vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của thời hiện đại: Nạn săn tìm cổ vật, việc đào ao thả cá và xây mộ của cư dân vẫn đang sống trong khu vực thành. Muốn giữ gìn di tích cần có những biện pháp kịp thời ngăn chặn tình trạng này. Đây cũng là vấn đề đặt ra trước các cấp quản lý, cả trung ương và địa phương.
Một mảnh khuôn đúc trống đồng tìm thấy ở Luy Lâu.
Một số đồ gốm gia dụng tìm thấy ở Luy Lâu.
GS Hoàng Hiểu Phấn (ĐH Đông Á) giới thiệu kết quả khai quật.