Về nơi người tiền sử sinh sống

NDO -

NDĐT - Khu vực Thần Sa, huyện vùng cao Võ Nhai (Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ thân thuộc, gắn bó của nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử ở trong và ngoài nước bởi những cuộc khai quật, nghiên cứu dòng dã thời gian dài để sau đó truyền đi thông điệp, khẳng định đây là nơi sinh sống của người tiền sử. Nhưng thật đáng tiếc, di chỉ khảo cổ nổi tiếng này và những di vật mang dấu tích của người xưa đến nay vẫn còn xa lạ với rất nhiều người.

Bàn nghiền đá được phát hiện khi khai quật Hang Ốc
Bàn nghiền đá được phát hiện khi khai quật Hang Ốc

Đặc sắc Kỹ nghệ Ngườm

Một số nhà khảo cổ người Pháp tìm đến khu vực có nhiều núi đá cao, sông suối, thảm thực vật phong phú Thần Sa nghiên cứu từ những năm đầu của thế kỷ trước, phát hiện những đấu tích đầu tiên của người tiền sử sinh sống, cư trú trong một số hang động, mái đá.

Có lẽ, từ manh mối này, năm 1972, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) tiến hành điều tra một số hang ở khu vực Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung thuộc huyện Võ Nhai, khai quật hai hang có tên là Miệng Hổ (hay còn gọi là hang Phiêng Tung) và Nà Khù. Kết quả khai quật hang Miệng Hổ đã mang đến sự chú ý lớn trong giới khảo cổ bởi tính chất mới lạ của các hiện vật so với văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn.

Sau đó, vào những năm từ 1980 đến 1982, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) đã khảo sát, điều tra và khai quật di chỉ Mái đá Ngườm (thôn Kim Sơn, xã Thần Sa), đặc biệt đợt khai quật năm 2017 bởi Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trường Đại học Washington (Mỹ) đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá.

Mái đá Ngườm nằm trên sườn núi phía bắc dãy núi Ngườm, hình hàm ếch khổng lồ, phía trên vươn ra che mặt bằng ở dưới rộng khoảng 700 m2. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người xưa chọn mái đá này làm nơi cư trú là để tránh lũ, tránh nắng, tránh mưa, phía dưới có sông (sông Thần Sa) thuận tiện cho sinh hoạt, tìm kiếm thức ăn, nguồn đá cuội dồi dào để chế tác ra công cụ. Theo người dân địa phương, dưới mái đá không bao giờ bị mưa ướt.

Về nơi người tiền sử sinh sống ảnh 1

Các nhà khảo cổ Việt Nam và Mỹ khai quật Mái đá Ngườm năm 2017

PGS.TS Nguyễn Văn Tiến (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) tâm đắc: “Khai quật di chỉ Mái đá Ngườm đã tìm thấy nhiều công cụ đá rất đặc biệt mà gần như ở Việt Nam không đâu có, đó là công cụ mài tước của người nguyên thuỷ, hay nói cách khác là đá cuội được tu chỉnh, chế tác làm công cụ, các nhà nghiên cứu gọi là Kỹ nghệ Ngườm”.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Bùi Huy Toàn là người tâm huyết bảo tồn di sản văn hóa, kết nối nhiều nhà khảo cổ học, sử học đến địa phương khảo sát, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ chia sẻ: “Tổng hợp kết quả khai quật, nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ, sử học cho thấy Mái đá Ngườm có ba tầng văn hoá phát triển liên tục, không có ngăn cách bởi tầng vô sinh. Cụ thể, tầng văn hoá thứ nhất (tầng dưới cùng) xuất hiện các công cụ mảnh tước, phiến tước, công cụ cuội có vết ghè rìa lưỡi. Lớp dăm đá vôi phủ phía trên cho thấy sự biến đối khí hậu và thành phần động vật. Tầng văn hoá thứ hai xuất hiện phổ biến hạch cuội dạng ghè một chiều, nhiều mảnh tước nhỏ, xương động vật bán hoá thạch, trong đó có một hàm dưới Pongo (đười ươi), nhiều nhuyễn thể, chủ yếu là ốc núi, ốc suối”.

“Tầng văn hoá thứ ba có ít công cụ mảnh tước, bao gồm công cụ mảnh tước nhỏ, phiến tước, có công cụ mũi nhọn. Các công cụ đã khá tu chỉnh, sắc cạnh, nhỏ gọn, đẹp, xương răng động vật không nhiều và chưa hoá thạch, có rất nhiều vỏ ốc. Kết quả phân tích, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học khai quật năm 2017 cho thấy, các tầng văn hoá có niên đại từ 41.000 năm đến 23.000 năm cách ngày nay. Điều đó minh chứng cho sự sinh sống, phát triển của người tiền sử ở nơi đây trong thời kỳ rất dài và còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn đang khám phá”, ông Toàn chia sẻ thêm.

Năm 2015, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học hang Ốc (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) cách Mái đá Ngườm không xa. Hang Ốc nằm ở lưng chừng núi đá vôi, hang cao hơn thung lũng phía dưới khoảng 15m, cửa hang rộng 14m, lòng hàng sâu 45m, diện tích khoảng 1000 m2, trên bề mặt phủ rất nhiều vỏ ốc suối, sông Rong chảy ở phía trước.

TS Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Kết quả khai quật cho thấy hang Ốc chỉ có một tầng văn hoá duy nhất có cấu tạo đồng nhất từ dưới lên trên, bao gồm vỏ nhuyễn thể ken dày đặc. Về mặt di tích, hang Ốc có số lượng lớn vỏ nhuyễn thể, bao gồm vỏ ốc núi, ốc suối, vỏ trai, xương răng động vật. Di vật đá được tìm thấy bao gồm nhiều loại hình công cụ khác nhau, mang các chức năng khác nhau như chặt, nạo, đập, nghiền, mài...Di vật tiêu biểu là dấu Bắc Sơn và rìu mài lưỡi, cho thấy đây là di chỉ thuộc văn hoá Bắc Sơn, niên đại cách ngày nay khoảng sáu- bảy nghìn năm. Kết quả phát hiện mới quan trọng từ những di vật khai quật tại di chỉ hang Ốc ẩn chứa thông điệp của người tiền sử.

Mái đá Ngườm - di chỉ con người thời đại Đá cũ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1982 và hang Ốc - di chỉ con người thời đại Đá mới sơ kỳ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2017. Đây là hai di chỉ quan trọng nhất trong hàng chục di chỉ khảo cổ học Thần Sa.

Để di chỉ, hiện vật “biết nói”

Thăm dò, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học di chỉ Mái đá Ngườm, hang Ốc và nhiều hang động khác ở khu vực Thần Sa có ý nghĩa quan trọng, cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển liên tục của văn hoá tiền sử ở Thái Nguyên và Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Vấn đề đặt ra là các di chỉ khảo cổ, di vật của người tiền sử cần được bảo tồn. “Các di sản khảo cổ người tiền sử không tái tạo, mỗi khi mất đi là không bao giờ trở lại. Do vậy trong khai quật, bảo tồn, phát huy, nguyên tắc tối cao là phải tôn trọng tính nguyên bản, chân xác, khách quan của sử liệu nên phải bảo vệ tính vẹn nguyên của di sản” - PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định.

Góp phầm cho di sản từng bước “tỏa sáng”, đến với công chúng, nửa cuối tháng 5- 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển lãm trưng bày di vật, ảnh, tư liệu với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời tiền sử ở tỉnh Thái Nguyên” tại Không gian Văn hoá trà Tân Cương (TP Thái Nguyên) và hội thảo “Những phát hiện mới khảo cổ học thời tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng” nhận được sự hoan nghênh của nhiều nhà khảo cổ học, lịch sử, hoạt động văn hoá, bảo tàng, công chúng.

Tại hội thảo, nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử, nhà quản lý, văn hoá cho rằng, những di chỉ khảo cổ học ở khu vực Thần Sa hoàn toàn xứng tầm để được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chứ không chỉ là di tích quốc gia như hiện nay.

Dù có giá trị, nhưng di chỉ khảo cổ học thời tiền sử ở Thái Nguyên, di vật của người xưa vốn “câm lặng”, không tự “tỏa sáng” chuyển tải thông điệp của quá khứ đến công chúng được khi chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng, hợp tác chặt chẽ của những người có chuyên môn, nỗ lực của những người quản lý và hoạt động về văn hóa, du lịch.

Về nơi người tiền sử sinh sống ảnh 2

Do không có mặt bằng, phần trưng bày di vật khảo cổ học Thần Sa rất khiêm tốn

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Thị Cúc, người tâm huyết với sự nghiệp văn hoá, khảo cổ, trần tình: “Bản thân rất trăn trở với tình trạng gìn giữ, bảo quản, quản lý, phát huy giá trị các di vật, di tích khảo cổ học của tỉnh hiện nay. Bảo tàng tỉnh vốn chật hẹp, thực chất chỉ là nơi cất giữ di vật khảo cổ một cách thô sơ nên rất khó bảo tồn được lâu dài thì nói đến việc trưng bày, giới thiệu phục vụ công chúng. Đáng lo, tỉnh có chủ trương sử dụng mặt bằng Bảo tàng tỉnh vào việc khác, Bảo tàng phải chuyển đến vị trí mới, nhà cửa chật hẹp thì không biết các di vật khảo cổ tiền sử nói riêng, hàng nghìn hiện hiện vật khác sẽ được bảo quản, quản lý, phát huy như thế nào”.

Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên hiện đang lưu giữ hàng nghìn di vật khảo cổ, nhưng tại phòng trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Thần Sa và Tiềm năng thiên nhiên Thái Nguyên”, phần trưng bày về di chỉ khảo cổ Thần Sa khiêm tốn ở một góc nhỏ vì không có không gian. Mặt khác, phòng trưng bày chuyên đề này luôn khóa cửa im ỉm, vì nhiều nguyên nhân mà không có khách than quan.

Mái đá Ngườm là di chỉ rất quan trọng của khu di tích khảo cổ học Thần Sa, nhưng từ trụ sở xã Thần Xa vào di chỉ dài 1,8 km vẫn là đường đất, đi lại còn nhiều khó khăn. Đến nay, khu vực di chỉ Mái đá Ngườm gần như chưa được đầu tư để bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn lâu dài, thông tin về di chỉ rất sơ sài, đến thăm mà du khách hiểu lơ mơ.

“Hướng dẫn viên” di chỉ Mái đá Ngườm là một người đã 74 tuổi, nhiều năm làm hướng dẫn viên mà chỉ được tập huấn vài ba ngày; Ban Quản lý di tích xã Thần Sa là đại diện chính quyền địa phương, trưởng công an, quân sự, cán bộ văn hóa xã. Có thời điểm, cơ quan chức năng còn cho khai thác khoáng sản tại sông Thần Sa bên dưới di chỉ Mái đá Ngườm, ảnh hưởng đến di chỉ. Biển chỉ dẫn đến các di chỉ khảo cổ học khu vực Thần Sa từ TP Thái Nguyên rất thiếu, vài vị trí có biển chỉ dẫn thì lại quá nhỏ, chữ mờ nhạt.

Thái Nguyên vinh dự có những di chỉ khảo cổ học thời tiền sử quý giá, có di chỉ gần như có một không hai ở nước ta. Giải pháp nào để bảo tồn, làm cho di sản này tỏa sáng phục vụ nghiên cứu, tham quan, là sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút đối với du khách, trở thành sức mạnh vật chất để góp phần phát triển kinh tế, xã hội là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần quan tâm.

Bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ