Sức sống trên vùng đất biên giới Lai Châu

Trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, các xã: Huổi Luông, Ma Ly Pho, Mù Sang, Sì Lờ Lầu... huyện Phong Thổ (Lai Châu), bị tàn phá nặng nề. 40 năm đã qua đi, vùng chiến sự, nơi tuyến đầu Tổ quốc năm xưa, nay đã đổi thay, tạo được dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội...

Người dân xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đưa chuối ra các điểm tập kết, bán cho thương lái.
Người dân xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đưa chuối ra các điểm tập kết, bán cho thương lái.

Đến các xã: Huổi Luông, Ma Ly Pho, hay Sì Lờ Lầu..., nhiều người ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê nơi biên giới, từng là tuyến đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía bắc của Tổ quốc. Cách đây 40 năm, ngày 17-2-1979, trên tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Phong Thổ, hàng nghìn quân địch đồng loạt tiến công vào sâu lãnh thổ nước ta theo các hướng: Sì Lờ Lầu - Dào San; Huổi Luông - Pa Tần; Pa Nậm Cúm - Phong Thổ. Trong đó, các xã Sì Lờ Lầu, Ma Ly Pho, Huổi Luông là những địa bàn đầu tiên của ta bị địch chiếm đóng. Ðồng chí Giàng A Chu, nguyên Bí thư xã Huổi Luông cho biết, ngày ấy, những quả đạn pháo đầu tiên của đối phương bắn vào bản của ông - bản Pô Tô. Khi đó, ông Chu đang là chiến sĩ dân quân tự vệ được chính quyền địa phương huy động để phối hợp lực lượng Công an vũ trang nhân dân, bộ đội địa phương tham gia chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ vừa ngăn chặn, tiêu hao sinh lực địch, vừa hỗ trợ người dân sơ tán. Gần một tháng trời, trước sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta; địch bị thiệt hại nặng buộc phải rút quân. Tuy nhiên, các bản: Pô Tô, Hồ Thầu, Ma Lù Thàng 1 bị hàng nghìn quả đạn pháo của địch bắn phá, cho nên sau khi chúng rút quân, kết cấu hạ tầng ở các địa phương nêu trên bị phá hủy hoàn toàn, mọi thứ đều phải làm lại từ đầu.

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, ông Chu chính thức tham gia lực lượng vũ trang địa phương. Khi xuất ngũ, ông được cấp trên cử đi học lớp sơ cấp, trở về làm cán bộ chính quyền địa phương. Hơn 30 năm công tác, ông Chu chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương mình. Từ khi thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương luôn tôn trọng nhận thức của lãnh đạo hai nước là, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, cho nên đến nay, Huổi Luông trở thành vùng quê nông thôn mới năng động. Bản Pô Tô nơi trước đây từng bị tàn phá nặng nề, nay trở thành khu vực giao thương sôi động giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ông Chu cho biết, từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1991 đến nay, lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại trao đổi, giao lưu, phối hợp cùng nhau xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ðược sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước trong những năm trở lại đây, xã Huổi Luông chuyển mình mạnh mẽ. Hiện toàn xã Huổi Luông tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn dưới 15%; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng/năm, từ nguồn thu nhập chính là từ trao đổi hàng hóa, xuất khẩu nông sản... Toàn xã trồng gần 1.000 héc-ta chuối, thị trường chính là Trung Quốc. Cây chuối đã giúp người dân Huổi Luông làm giàu nhanh chóng và nhờ đó, xuất hiện nhiều "triệu phú" nông dân...

Với lợi thế có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và thế mạnh phát triển cây chuối, xã Ma Ly Pho đã chuyển mình mạnh mẽ. Cửa khẩu mang đến cơ hội giao thương cho người dân, cây chuối mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trong xã. Ðồng chí Lý Phủ Lùng, Bí thư Ðảng ủy xã Ma Ly Pho, cho biết, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, xã ông bị thiệt hại ở hầu hết các bản. Tuy nhiên, nhân dân trong xã Ma Ly Pho đã phối hợp cùng các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Sau khi địch rút quân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục chỉ đạo nhân dân trong xã phối hợp các lực lượng bảo vệ, giữ vững chủ quyền biên giới gắn phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. 40 năm qua, chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn luôn được giữ vững. Những vụ việc liên quan đến biên giới luôn được hai bên giải quyết trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, luật pháp mỗi bên. Tính đến hết 2018, xã Ma Ly Pho đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, thu nhập đầu người trong xã bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 10%...

Ðồng chí Lùng cho biết, trên địa bàn hiện có hàng chục cựu chiến binh là người địa phương, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979. Hiện nay, các gia đình cựu chiến binh này đều được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước; các ngày lễ, Tết, đều được các cấp chính quyền quan tâm thăm hỏi, động viên. Các cựu chiến binh ở địa phương cũng tích cực hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

40 năm đã qua đi, địa bàn biên giới từng là vùng chiến sự trên tỉnh Lai Châu, giờ đã chuyển mình, để lại dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội... Các địa phương từng hoang tàn sau cuộc chiến, giờ khang trang với diện mạo nông thôn mới. Hằng năm, các sự kiện giao lưu các cấp chính quyền, giao lưu nhân dân giữa hai bên ở địa phương này thường xuyên được tổ chức…, góp phần thiết thực xây dựng vùng đất biên cương Tổ quốc ngày càng phát triển, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.